Thời gian qua, ngành Y tế đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương để tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước; nâng cao dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của COVID-19.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về phòng, chống dịch bệnh; cung cấp thông tin báo chí minh bạch, kịp thời để người dân hiểu, tự giác phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn. Tăng cường hiệu quả triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh...
Tính từ khi có dịch đến cuối ngày 16/01/2023, Ninh Bình đã ghi nhận 107.156 trường hợp mắc bệnh COVID-19 (năm 2020 là 34 ca, năm 2021 là 1.311 ca; năm 2022 là 105.805 ca và năm 2023 là 6 ca ). Số ca bệnh tử vong là 107 ca (trong đó có 3 ca của tỉnh khác). Lũy kế tại Ninh Bình là 104 ca, chiếm 0,1%. Số ca bệnh đã điều trị khỏi và xuất viện là 107.016 ca. Có 31 ca bệnh chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.
Đối với công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, ngành Y tế đã chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tiêm chủng theo các nhóm tuổi. Rà soát đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng mà chưa được tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng ngay theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đến ngày 16/1, số lượng vắc xin đã tiêm là 2.581.218 liều. Tỷ lệ tiêm chủng các mũi tiêm ở đa phần các nhóm của tỉnh đều cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Tại hội nghị, các thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngành Y tế trao đổi, thảo luận, thống nhất, đề ra các giải pháp nhằm bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19. Hạn chế và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.
Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sắp tới thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho vi rút dịch bệnh lây lan, phát triển; tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cập nhật các thông điệp truyền thông, thông tin về các vùng đang có dịch bùng phát, các nơi có xuất hiện biến thể mới và đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Đặc biệt chú trọng truyền thông cho nhóm người nhập cảnh, khách du lịch, người về từ Trung Quốc và các vùng có dịch khác tự theo dõi sức khỏe và khai báo y tế khi có bất thường.
Tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi mắc COVID-19 để xử lý kịp thời, đặc biệt các đối tượng nhập cảnh từ Trung Quốc và các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2;
Đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm sớm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường để đề xuất việc lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới và đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh khác có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi; tăng cường giám sát, sàng lọc phát hiện sớm các ca mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; thực hiện quyết liệt các chiến dịch vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch chồng dịch.
Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; nhất là việc tiêm vắc xin mũi 4 cho người trên 18 tuổi, mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả;
Thường xuyên rà soát, đề xuất nhu cầu vắc xin sát thực tế, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu vắc xin cục bộ cũng như hủy vắc xin hết hạn. Tiếp tục rà soát số liệu tiêm chủng và thúc đẩy việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng hàng ngày lên hệ thống Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.
Đặc biệt, trước mắt trong thời gian tới, tăng cường phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo cùng Ủy ban nhân dân các cấp để truyền thông cho phụ huynh hiểu về quyền lợi của trẻ khi được tiêm vắc-xin.
Đồng thời, phát huy vai trò của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… ở các địa phương để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ của trẻ với việc tiêm vắc xin COVID-19. Rà soát danh sách trẻ chưa được tiêm chủng, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất biện pháp giải quyết, đảm bảo tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em một cách an toàn, khoa học và hoàn thành tiến độ.
Chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Có phương án giám sát, theo dõi, hỗ trợ việc tự cách ly, điều trị tại nhà của bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa, chưa cần nhập viện.
Huy động chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và người dân tham gia tích cực các hoạt động phòng chống dịch, tiêm chủng vắc xin...
Hạnh Chi - Minh Quang