Tham dự hội nghị có đại diện Sở Tư pháp, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Liên minh HTX tỉnh; lãnh đạo phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thành phố.
Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 21/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật gồm 9 chương 105 điều, giảm 1 chương, tăng 43 điều so với Luật 2003 và cơ bản tên các chương điều không thay đổi, có bổ sung một chương mới là chương kiểm ngư.
Cụ thể, các điểm mới trong Luật Thủy sản 2017 bắt đầu từ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản (Luật 2003 không đề cập vấn đề này). Cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm toàn bộ dữ liệu ngành về nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, tàu cá…
Ví dụ đăng ký tàu cá sẽ được thực hiện bằng Sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Tất cả các thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, thực hiện theo chủ trương chính phủ điện tử.
Điểm mới thứ hai là quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản - nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi... Theo đó, quyền đồng quản lý được quy định rõ gồm hai quyền: một là quyền ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính và quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các quy định về điều kiện của các cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng được rà soát và cắt giảm.
Luật mới cũng quy định nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè hoặc thủy sản nuôi chủ lực phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về thủy sản. Trong mục quản lý tàu cá, điểm mới được lưu ý đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá là chỉ được hoạt động khi tổ chức, cá nhân, cơ sở đóng mới, cải hoán được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện bởi cơ quan thẩm quyền là UBND tỉnh..
Ngoài ra, chế định về kiểm ngư, nội luật hóa các quy định IUU (liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) từ khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) cũng được hiện thực trong Luật Thủy sản 2017. Trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, 1 tỷ đồng là mức phạt tối đa đối với cá nhân vi phạm được luật hóa và 2 tỷ đối với tổ chức vi phạm - cao gấp 10 lần so với luật thủy sản năm 2003 là 100 và 200 triệu.
Luật Thủy sản mới năm 2017 khi có hiệu lực (ngày 1/1/2019) sẽ được áp dụng ngay mà không cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tin, ảnh: Hà Phương