Từ nhiều năm nay, nguồn thu nhập chính của chị Lê Thị Hằng, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) là từ việc bán hàng cho khách du lịch ở chùa Bái Đính. Nhưng từ khi dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, khách tới tham quan chùa giảm nhiều nên công việc của chị Hằng bắt đầu gặp khó khăn. Đặc biệt, từ tháng 4/ 2021 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Hằng không có việc làm nữa.
"Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm "ăn nên làm ra" của những người làm các công việc phục vụ khách du lịch như tôi. Để đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi phải tạm dừng các hoạt động, thành ra cũng không có nguồn thu nào khác. Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn..."- chị Hằng kể lại.
Giờ thì gia đình chị Hằng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Chị Hằng đã chuyển sang làm cho một xưởng may tại địa phương với mức thu nhập tuy chưa cao song cũng ổn định. Chị Hằng bảo rằng, để vượt qua được giai đoạn khó khăn đó, chị và rất nhiều lao động tự do khác đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh. Số tiền 1,5 triệu đồng tuy không phải là lớn, song đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và động viên của tỉnh đối với người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Số tiền ấy cũng rất quý giá, giúp các lao động trang trải nhu cầu tối thiểu trong lúc tìm kiếm việc làm mới.
Chị Hằng là 1 trong hơn 6 nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh. Ông Nguyên Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội cho biết: Nhằm hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngày 29/7/2021, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Nghị quyết số 46).
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện rà soát, lập danh sách, thẩm định những người thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Với tinh thần quyết tâm cao, Sở Lao động, Thương binh, Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác nhưng cũng hết sức khẩn trương, phấn đấu đưa tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng.
Tính đến ngày 30/11/2021, tỉnh ta đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của 7.539 người, với kinh phí là 11,3 tỷ đồng; đã thẩm định và ra quyết định phê duyệt cho 6.302 người, với kinh phí tương ứng là 9,45 tỷ đồng; đã thực hiện chi trả cho 5.189 người, số tiền 7,783 tỷ đồng.
Cùng với đó, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện đúng các bước của quy trình, quy định để kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đề ra, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực.
Tính đến ngày 30/11/2021, đã có 2.549 đơn vị, doanh nghiệp với 103.983 người lao động được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng là 11,831 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 1 đơn vị, với 67 người lao động; đã giải ngân cho 5 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng; thực hiện thẩm định hồ sơ ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ 13.232 đối tượng, với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng, đã thực hiện chi trả cho 10.225 đối tượng, với số tiền trên 17 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất.
Trong thời gian qua, 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các mô hình vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn chống dịch. Nhờ đó, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn được đảm bảo.
Đồng thời, các ngành chức năng và các địa phương, đơn vị cũng đã tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19; những lao động trở về từ ngoại tỉnh để họ sớm quay trở lại làm việc, ổn định cuộc sống.
Do đó, mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, song trong 11 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 17.500 người, đạt 90,2% kế hoạch năm.
Bài, ảnh: Đào Hằng