Đến thời điểm 31/8, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 32.200 ha cây trồng vụ mùa, trong đó cây lúa là trên 31.500 ha còn lại là cây rau màu các loại.
Nhìn chung từ đầu vụ đến nay, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho các cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, trà lúa sớm đang ở giai đoạn chắc xanh đến thu hoạch, trà mùa trung, mùa muộn đang ở giai đoạn phân hóa đòng, ôm đòng.
Hiện, ngành Nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại để có biện pháp chăm sóc, phòng chống kịp thời, đảm bảo năng suất cuối vụ.
Về sản xuất vụ Đông, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19 nhưng toàn tỉnh vẫn gieo trồng được trên 8 nghìn ha cây vụ Đông; giá trị sản xuất đạt 1.064,6 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với vụ Đông năm 2020. Các cây trồng có giá trị trên ha canh tác cao là khoai sọ, khoai tây, hoa, ớt cay... Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Vụ Đông 2022 tới đây được sự báo sẽ có rất nhiều khó khăn: Thời tiết tiếp tục có những diễn biến khó lường, giá một số mặt hàng vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao, diện tích trà lúa mùa sớm đạt thấp hơn so với kế hoạch, ảnh hưởng đến quỹ đất làm cây vụ Đông ưa ấm. Tuy nhiên ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu gieo trồng được 8 nghìn ha cây vụ Đông. Tập trung vào các loại cây như ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, bí, cà chua, rau đậu.
Tại hội nghị, đại diện phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các địa phương, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở, đại diện một số đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp nêu ý kiến nhìn nhận lại kết quả sản xuất đã đạt được, những mặt còn hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo thắng lợi vụ Mùa, vụ Đông sắp tới.
Trong đó, nhấn mạnh việc phải tăng cường liên kết bao tiêu sản phẩm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để sản xuất thành vùng tập trung; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giống mới; theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng dịch hại từ đó có biện pháp phòng trừ hiệu quả... Đặc biệt, lấy Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025 là động lực thúc đẩy người dân tiếp tục sản xuất.
Nguyễn Lựu - Minh Đường