Vụ đông năm 2017 mặc dù gặp nhiều khó khăn do mưa lũ đầu vụ nhưng toàn tỉnh vẫn đảm bảo diện tích sản xuất theo kế hoạch, giành thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá bán.Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông của các huyện, thành phố đạt trên 9 nghìn ha (đạt 103% kế hoạch). Các cây trồng chủ lực là: ngô, lạc, khoai sọ, bí xanh, khoai lang, trạch tả và rau các loại.
Vụ đông vừa qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên đã xuất hiện khá nhiều các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung đạt hiệu quả cao.
Cụ thể như: tại huyện Nho Quan, mô hình trồng cà chua ở xã Văn Phong đạt 135 triệu đồng/ha, mô hình trồng khoai sọ ở xã Yên Quang đạt 140-160 triệu đồng/ha; tại huyện Yên Khánh có mô hình liên kết sản xuất khoai tây Atlantich với Viện sinh học Nông nghiệp, mô hình sản xuất và tiêu thụ trạch tả với các công ty Solavina, Hoàng Thành...
Tổng hợp, tính theo giá thực tế tại thời điểm thu hoạch, giá trị sản xuất vụ đông 2017 toàn tỉnh ước đạt trên 800 tỷ đồng, tăng 130 tỷ đồng so với vụ đông 2016;giá trị sản xuất bình quân đạt 92,4 triệu đồng/ha.
Vụ đông năm 2018, Ninh Bình vẫn định hướng không chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung thâm canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định. Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 9.000 ha. Trong đó, cây ngô là 1.856 ha, khoai tây 444 ha, khoai lang 800 ha, bí xanh 443 ha, rau các loại là trên 4.000 ha...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe đánh giá sơ kết sản xuất vụ mùa năm 2018 vàmột số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối vụ. Theo đó, vụ mùa 2018, toàn tỉnh gieo trồng được trên 39 nghìn ha cây trồng hàng năm, đạt 96,4% kế hoạch. Do thời tiết đầu vụ diễn biến phức tạp đã ảnh hướng đến sự sinh trưởng phát triển của cây trồng, làm thay đổi cơ cấu trà lúa, giống lúa và sẽ ảnh hưởng đến thời gian trỗ bông.
Bên cạnh đó, tình hình dịch hại cũng diễn biến khá phức tạp đặc biệt là bệnh lùn sọc đen phương nam, rầy nâu, rầy lưng trắn, sâu đục thân hai chấm, chuột... Sở NN&PTNT khuyến cáo, thời gian tới, các địa phương cần lưu ý: phân rõ các trà lúa để có biện pháp chăm sóc cân đối, đảm bảo đủ nước, bón phân sớm, tập trung; chủ động nắm chắc diễn biến các đối tượng dịch hại để phòng trừ kịp thời.
Hà Phương- Đức Lam