Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, 9 tháng đầu năm, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) đã có những chuyển biến tích cực. Các văn bản pháp luật đã cơ bản hoàn thiện; doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất an toàn được chứng nhận và liên kết, hình thành ngày càng nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; nhiều vụ vi phạm pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP được phát hiện, xử lý, thông tin đến người tiêu dùng...
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 47/63 tỉnh, thành phố triển khai kiểm tra, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 45 của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ đã tổ chức được 55 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch cũng như đột xuất.
Kết quả đã ban hành trên 1 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 22 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là đợt thanh tra đột xuất của thanh tra Bộ tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ 13,3 kg hóa chất Vàng-O), tịch thu 20kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ...
Tuy nhiên, vấn đề cải thiện chất lượng các sản phẩm VTNN và nông, thủy sản chuyển biến trên thực tế còn rất chậm. Tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014 (1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng).
Bộ Nông nghiệp & PTNT cho rằng, nguyên nhân là do các đơn vị chưa xác định trọng tâm, định hướng rõ ràng và tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ được phân công; chưa chỉ đạo xuống các cấp địa phương để triển khai quyết liệt; tình hình triển khai tại các địa phương còn dàn trải, mang tính hình thức; chưa giám sát, đánh giá, xác định được kịp thời sản phẩm, công đoạn, địa bàn nguy cơ cao để tập trung xử lý hiệu quả, dứt điểm...
Riêng tại Ninh Bình,tính đến thời điểm hiện nay đã thực hiện kiểm tra, đánh giá phân loại tại 381 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó có 3 cơ sở xếp loại A, 115 cơ sở xếp loại B, 8 cơ sở xếp loại C. Thực hiện 48 test nhanh (hàn the, tẩy trắng, ôi khét, thuốc trừ sâu, phẩm màu, nitrat), kết quả các mẫu đều âm tính.
Thanh tra chuyên đề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh kết quả cho thấy các cơ sở cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; nguyên liệu và các yếu tố đầu vào; bảo quản sản phẩm.
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã triển khai kế hoạch triển khai đợt cao điểm hành động đợt vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2016. Trong đó tập trung vào việc giải quyết tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu mức tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả; chất cấm, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, gà, thủy sản nuôi.
Mục tiêu ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm (đặc biệt là Salbutamol, VAT Yellow) trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc BVTV trong rau; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi; ô nhiễm vi sinh trong thịt vượt ngưỡng giảm 30% so với 9 tháng đầu năm 2015. Hình thành một số điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn có xác nhận.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết những bức xúc hiện nay, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm; phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng hiểu biết và ủng hộ sản phẩm an toàn có xác nhận.
Lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng. Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời cũng như xử lý nghiêm các vi phạm. Xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ và quảng bá sản phẩm an toàn có xác nhận. Tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, xử lý, cảnh báo các trường hợp phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị cần huy động sự tham gia mạnh mẽ của các hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… trong việc tuyên truyền, hướng dẫn để các hội viên hiểu biết, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm an toàn.
Hà Phương