Khu rừng nguyên sinh Cúc Phương là một hệ sinh thái lớn, với hàng nghìn loài động, thực vật hoang dã, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Các khu rừng đặc dụng Hoa Lư, Vân Long cùng với hệ động, thực vật rừng trên núi đá vôi, vừa là đặc trưng nổi bật về hệ sinh thái đa dạng, vừa là tài nguyên quý giá để khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên trên một số khu vực trọng điểm, nguy cơ cháy rừng rất cao, vì khối lượng vật liệu cháy khá phong phú. Do điều kiện địa hình phức tạp nên khi xảy ra cháy rừng khó phát hiện, đám cháy thường lan nhanh, khi cháy khó có thể dập tắt ngay được. Mặt khác, ở các xã ven rừng, đời sống của người dân còn thấp, tình trạng vào rừng để thu hái lâm sản, làm nương rẫy, đốt than, săn bắn động vật hoang dã, đốt tổ ong... có nơi khá phổ biến. Một bộ phận nhân dân và chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng. Vì thế, nguy cơ cháy rừng luôn luôn tiềm ẩn. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm (từ 1995-2005), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 107 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 183 ha rừng các loại, ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, giảm tác dụng phòng hộ và cải tạo môi trường của rừng.
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là phòng, chống cháy rừng như: Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng từ tỉnh đến xã; chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng với sự tham gia của lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, dân phòng, nhân dân sống trong rừng và ven rừng. Gần 100% thôn, bản có rừng đã xây dựng được quy ước bảo vệ rừng.
Song song các biện pháp trên, trong những năm qua, mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn nhưng đầu tư cho phòng cháy, chữa cháy rừng đã được quan tâm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đã được các cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng và chính quyền cơ sở chú trọng. Điển hình về thực hiện tốt các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng ngày càng nhiều, như các xã: Quỳnh Lưu, Xích Thổ, Thạch Bình (Nho Quan); Yên Sơn, Đông Sơn (Tam Điệp); Yên Đồng (Yên Mô); Gia Hòa, Gia Hưng (Gia Viễn); Ninh Hải, Trường Yên (Hoa Lư)... Nhờ vậy, trong những năm từ 2006 đến nay, số vụ cháy rừng giảm đáng kể. Năm 2006 có 7 vụ cháy rừng, năm 2007 còn 2 vụ, từ đầu năm 2008 đến nay chưa có vụ cháy rừng lớn xảy ra. Những kết quả về phòng cháy, chữa cháy rừng góp phần tăng độ che phủ của rừng, tạo ra nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trên địa bàn tỉnh, người dân yên tâm đầu tư vào phát triển rừng.
Tuy đã giảm các vụ cháy rừng lớn, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất tập trung, nhưng nguy cơ cháy rừng chưa giảm, và không thể chủ quan. Vì vậy, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông qua hoạt động tuyên truyền, đưa Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Bảo vệ và phát triển rừng vào cuộc sống; nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng cháy, chữa cháy nói chung, phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy rừng. Phổ biến biện pháp, kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó vấn đề khuyến lâm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân phải đặc biệt quan tâm. Coi trọng công tác dự báo cháy rừng. Dự báo cháy rừng phải kịp thời, chính xác, theo hướng dự báo tổng hợp gắn với thông tin cấp cháy rừng từ tỉnh đến xã, thôn, xóm. Xúc tiến các biện pháp lâm sinh làm giảm khối lượng vật liệu cháy, tăng khả năng đề kháng của rừng. Tại các vùng trọng điểm cháy, có giải pháp đồng bộ, tạo được hành lang an toàn cho các khu rừng quan trọng quanh kho tàng, khu di tích lịch sử, văn hóa, khu điểm du lịch sinh thái. Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng 3 cấp theo Chỉ thị số 21, Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn phá rừng, đốt rừng. Ban hành các văn bản cần thiết để chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Thiết lập hệ thống báo cháy dây truyền ở vùng trọng điểm; xây dựng đội tình nguyện bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn, xóm có rừng; triển khai thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; lập bản đồ quản lý cháy rừng toàn tỉnh.
Bài và ảnh: Mạnh Dũng