Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
Thứ Sáu, 06/05/2022, 03:11
Zalo
Sáng 6/5, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì hội nghị.
Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Năm 2021, Ninh Bình chịu ảnh hưởng của 21 đợt không khí lạnh; 4 đợt rét đậm rét hại; 10 đợt nắng nóng; 12 đợt mưa vừa và mưa to. Mưa lớn đã gây ra các vụ sạt lở đất đá tại xã Phú Long, xã Cúc Phương làm ảnh hưởng trực tiếp đến 3 hộ gia đình. Đặc biệt tỉnh cũng chịu tác động của cơn bão số 2, áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới do bão số 3 suy yếu và hoàn lưu cơn bão số 7, số 8; gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả; một số đoạn bờ kè bị vỡ, lún gẫy.
Ngay từ đầu năm, để chủ động đối phó với thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, phương án, kế hoạch, công văn, công điện chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn về các dạng thiên tai và cách ứng phó; tổ chức các đợt như phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão…
Theo dự báo năm 2022, tình hình khí hậu thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Năm 2022 cũng cần đề phòng bão mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lũ cao trên các triền sông và nước dâng vùng ven biển, hạn hán, xâm nhập mặn, dông lốc, nắng nóng, gió mùa.
Đề xuất các giải pháp, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó, nâng cao năng lực dự báo dự tính; xây dựng dự toán kinh phí cũng như đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ; tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo UBND tỉnh về thực trạng các công trình cấp bách; rà soát các phương án bảo vệ các tuyến đê, các điểm trọng yếu để đề xuất bổ sung kịp thời...
Nhấn mạnh công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề bàn thảo, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo hành lang an toàn đê điều; nghiên cứu cắm biển giới hạn tải trọng, tốc độ để quản lý đối với một số tuyến đường trên đê có đông phương tiện qua lại.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Các địa phương như Nho Quan cần quan tâm đảm bảo an toàn hồ đập, có phương án xử lý những đoạn bị rò rỉ. Cần tập trung phối hợp xử lý các tình huống sự cố bất ngờ xảy ra. Đối với các điểm xung yếu, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các địa phương, tỉnh sẽ ưu tiên giải quyết sớm, xử lý dứt điểm những công trình cấp bách.
Các cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nghiên cứu các phương án và xây dựng kế hoạch cụ thể để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.