Cùng dự có các đồng chí Thường trực UBND, HĐND tỉnh, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố; đại diện các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Năm 2017, tình hình thiên tai, bão lũ trên địa bàn Ninh Bình diễn biến phức tạp, bão số 10 đổ bộ vào tỉnh mạnh cấp 8, 9 giật cấp 11 đúng vào thời điểm triều cường. Lũ sông Hoàng Long đạt đỉnh 5,53 m tại Bến Đế, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, là các đợt nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và sự chủ động trong công tác phòng chống lũ bão của tỉnh, tỉnh ta đã xử lý kịp thời sự cố đê BM III, đê sông Đáy; các hồ, đập, cống… đảm bảo an toàn. Hướng dẫn cho gần 1.000 lượt tàu thuyền với 3.000 lượt người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới; tổ chức di dời trên 15.000 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đặc biệt, trên sông Hoàng Long mặc dù mức lũ vượt mốc lịch sử nhưng đưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trách nhiệm, có cơ sở khoa học của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh đã không phải xả tràn, đảm bảo ổn định đời sống cho 12 xã vùng phân lũ, chậm lũ thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn, được Thủ tướng chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quân đội, công an, đã phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả công tác giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp vệ sinh, thu hoạch lúa, hoa màu.
Qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, không để người dân bị thiếu đói, khát, bùng phát dịch bệnh, đồng thời nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai. Tuy nhiên trong năm toàn tỉnh cũng vẫn ghi nhận 3 người bị thương, gần 1.800 ngôi nhà bị ngập, hư hại; trên 93 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, trên 22 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại, nhiều công trình, nhà máy bị ảnh hưởng...Ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 1.152 tỷ đồng.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả làm được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN và đề xuất nhiều biện pháp để khắc phục như: tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo các loại hình thiên tai; trang bị vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN; chủ động di dân ra khỏi khu vực xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai; chủ động phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa phương trên địa bàn; ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các địa phương, sự chủ động của nhân dân, sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó, khắc phục TT và TKCN. Nhờ đó đã khắc phục và hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí nhấn mạnh Ninh Bình là một trong số tỉnh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu; do vậy, để tăng tính chủ động, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, với phương châm lấy phòng ngừa là chính.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành trong năm 2018 cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; làm tốt công tác chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Sở NN&PTNT đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 sát với thực tiễn, phát huy tốt vai trò, chức năng thường trực công tác TKCN của cơ quan quân sự các cấp; tiếp thu ý kiến các cơ quan, hoàn thiện Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3 năm 2018.
Rà soát các phương tiện, trang thiết bị hiện có, xây dựng kế hoạch nhu cầu đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác PCTT&TKCN trên cơ sở phân kỳ đầu tư đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tổ chức hội nghị giải quyết vi phạm pháp luật Đê điều trên địa bàn tỉnh (trong quý I/2018). Sớm hoàn thành quy trình thủ tục nhanh chóng thi công khắc phục bể xả Trạm bơm Gia Viễn.
Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh rà soát phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó các tình huống thiên tai, nhất là bão mạnh, siêu bão, động đất, sóng thần. UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên; tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định PCTT ở địa phương theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Tập trung công tác phòng chống hạn nhất là đối với các huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp; đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất, sinh hoạt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm chủ động ứng phó với tình hình khô hạn. Khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch PCTT các cấp theo quy định của Luật phòng chống thiên tai; rà soát phương án, nhiệm vụ PCTT, tìm kiếm cứu nạn phù hợp thực tế địa phương; triển khai thu và quản lý, sử dụng quỹ phòng chống thiên tai đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, 3 tập thể, 17 cá nhân đã vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bảo vệ an toàn đê tả hữu sông Hoàng Long trong tháng 10/2017, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
32 tập thể, 110 cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh năm 2017 cũng nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Hà Phương- Đức Lam