Triển khai chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa đảm bảo an toàn, hấp dẫn
Chủ Nhật, 14/03/2021, 06:49
Zalo
Hoạt động du lịch của Ninh Bình đang đứng trước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Để từng bước phục hồi, ngành Du lịch Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch với tiêu chí an toàn và hấp dẫn, trong đó yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Để hiểu rõ hơn, Báo Ninh Bình đã phỏng vấn ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch về tác động của dịch COVID-19, công tác phòng chống dịch và chương trình kích cầu du lịch của Ninh Bình hiện nay.
Triển khai chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa đảm bảo an toàn, hấp dẫn
Phóng viên: Ngành Du lịch là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Xin ông cho biết sự ảnh hưởng đó đã tác động lên ngành Du lịch Ninh Bình như thế nào?
Ông Phạm Duy Phong: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành kinh tế du lịch, đồng thời kéo theo những hệ lụy đến các doanh nghiệp cũng như người lao động hoạt động trong ngành. Hiệp hội du lịch đã thống kê toàn tỉnh Ninh Bình có 25 đơn vị lữ hành, trong đó có 3 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Đợt dịch thứ nhất diễn ra, có trên 90% khách hủy tour. Sau đợt dịch lần thứ 2, mặc dù đã được kiểm soát nhưng vào thời điểm hết mùa du lịch nội địa cộng với tâm lý của du khách e ngại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lại một lần nữa phải đối mặt với khó khăn để duy trì hoạt động.
Nhiều hợp đồng tham quan, lưu trú và dịch vụ du lịch bị hủy bỏ, các đơn vị kinh doanh du lịch phải tính đến phương án cắt giảm nhân công, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn lao động du lịch, một số doanh nghiệp tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã tạm ngừng đầu tư do khó khăn về tài chính. Theo thống kê sơ bộ, hơn 80% nhân lực du lịch của Ninh Bình không có việc làm trong nhiều tháng.
Với những khó khăn trên, năm 2020, dịch vụ du lịch giảm mạnh cả về lượng khách và doanh thu. Toàn tỉnh ước đón 2,8 triệu lượt khách, đạt 37% so với năm 2019. Trong đó: khách nội địa đạt trên 2,6 triệu lượt khách, đạt 39% so với năm 2019; khách quốc tế đạt gần 200 nghìn lượt khách, đạt 21,45% so với năm 2019; Doanh thu ước đạt 1.600 tỷ đồng, đạt 45% so với năm 2019.
Mặc dù tháng hai là tháng bắt đầu mùa lễ hội, nhưng dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc nên lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh hai tháng đầu năm đạt 440,4 nghìn lượt khách, giảm 62,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh hai tháng ước đạt gần 90,5 nghìn lượt khách, giảm 34,1%; số ngày khách lưu trú ước đạt gần 119,1 nghìn ngày khách, giảm 36%. Doanh thu du lịch hai tháng đầu năm ước đạt trên 290,8 tỷ đồng, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch trải nghiệm tại đồng cừu của HTX Vân Long (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn
Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 diễn ra gần đây, ngành Du lịch Ninh Bình đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Duy Phong: Ngay đầu năm 2021 dịch COVID-19 đã quay trở lại Việt Nam, xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tiếp tục gây khó khăn cho mọi hoạt động của ngành du lịch. Để ổn định tình hình, Sở Du lịch đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tạm dừng các tour du lịch đến và đi từ vùng có dịch để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động làm việc tại đơn vị và cộng đồng cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thông tin về dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, đảm bảo các điều kiện an toàn cho người lao động và khách du lịch. Trong đó, lưu ý tổ chức thực hiện tốt các biện pháp: phun thuốc khử khuẩn; trang bị dung dịch sát khuẩn tại các khu vực công cộng; thực hiện việc đo thân nhiệt cho khách du lịch; yêu cầu người lao động và khách du lịch bắt buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn theo quy định; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của khách du lịch và người lao động, thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng khi có dấu diệu như: ho, sốt, khó thở… Đối với cơ sở lưu trú du lịch, yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế tại phần mềm "Vietnam Health Declaration", hướng dẫn cho khách du lịch và lao động tại đơn vị tải và sử dụng ứng dụng "Bluezone" và thực hiện nghiêm khai báo khách lưu trú hàng ngày cho các cơ quan chức năng để tổng hợp, theo dõi.
Cùng với đó, Sở Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng kế hoạch phối hợp Phòng Quản lý du lịch, Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh lữ hành và các điểm đến tập trung đông khách du lịch trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phóng viên:Cùng với triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, ngành Du lịch sẽ triển khai chương trình xúc tiến du lịch, chương trình kích cầu du lịch như thế nào trong tình hình hiện nay, thưa ông?
Ông Phạm Duy Phong: Chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch là giải pháp quan trọng để phục hồi hoạt động du lịch, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước, giúp cộng đồng doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội. Với tình hình hiện nay, hoạt động kích cầu du lịch sẽ tập trung vào đối tượng khách du lịch nội địa, người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Để kích cầu du lịch hiệu quả, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Ninh Bình vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tích cực triển khai chương trình kích cầu du lịch, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, nghiên cứu bổ sung, làm mới sản phẩm du lịch.
Một trong những nội dung xúc tiến, kích cầu du lịch đang được ngành Du lịch tích cực triển khai đó là khảo sát sản phẩm du lịch mới trên địa bàn. Chương trình đã đi khảo sát tại các điểm đến: Memorina Ninh Bình Farmstay (xã Gia Sinh, Gia Viễn), Vedana Ninh Bình Resort (xã Cúc Phương, Nho Quan) và đồng cừu của HTX Vân Long (Gia Vân, Gia Viễn). Tiếp đó trong tháng 4 tới đây, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với Tổng Cục Du lịch, Vụ du lịch, Vụ lữ hành, các công ty du lịch tiêu biểu nghiên cứu các sản phẩm du lịch chuyên biệt trên địa bàn tỉnh để xây dựng sản phẩm mới. Trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch và các hãng lữ hành sẽ có phương án tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm mới, sản phẩm chuyên biệt nhằm hút du khách về với Ninh Bình.
Ngoài ra, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan biên tập nội dung, xây dựng ma-ket và sản xuất tài liệu, ấn phẩm quảng bá du lịch để chuẩn bị tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch Ninh Bình tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 4, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2020 sẽ diễn ra trong tháng 5; tại một số tỉnh, thành phố.... Phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện viết bài, ghi hình, đưa tin về các hoạt động du lịch Ninh Bình. Sở tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh phương án tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 phù hợp với điều kiện, tình hình phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay.