Theo ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, dự báo sức mua trong tháng Tết năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với Tết năm trước và tăng từ 15-20% so với các tháng khác trong năm.
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, ngay từ những tháng cuối năm 2019, Sở Công Thương đã yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, các phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động nắm chắc cung cầu hàng hóa, cung ứng kịp thời ra thị trường, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá, cung cấp hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm ra thị trường trong suốt dịp Tết Nguyên đán.
Đồng thời, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Ngành Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình, Truyền tải điện Ninh Bình xây dựng và triển khai kế hoạch cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Riêng các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các siêu thị, Sở Công thương yêu cầu xây dựng và triển khai phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết, ưu tiên hàng hóa Việt Nam.
Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất tăng cường tổ chức mạng lưới bán hàng tại các huyện, thành phố, góp phần bình ổn giá cả thị trường, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Khuyến khích các doanh nghiệp triển khai thực hiện các "điểm bán hàng Việt bền vững", các "điểm bán hàng bình ổn giá" và các chương trình khuyến mại hợp pháp, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với các siêu thị cần chuẩn bị đủ lượng hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các vùng lân cận, bù vào lượng thực phẩm có thể thiếu hụt trong dịp Tết.
Sở Công Thương cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cam kết không tăng giá, triển khai chương trình "Khóa giá", giá hàng hóa được giữ ổn định như đã niêm yết ngay cả khi giá sản phẩm cùng loại trên thị trường có biến động.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa mà Sở Công Thương đã triển khai đó là xây dựng kế hoạch và tích cực thực hiện Đề án "Hỗ trợ bình ổn giá thị trường hàng hóa tỉnh Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020".
Theo đó, năm nay có 6 doanh nghiệp tham gia với 100 điểm bán hàng bình ổn và trên 200 mặt hàng, chủ yếu là các sản phẩm bánh kẹo, mứt các loại, đường, dầu ăn, nước chấm, mì tôm, mì chính…..
Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá là các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, đang kinh doanh mặt hàng này, có uy tín và cung cấp hàng cho các điểm bán hàng trực tiếp phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Thời gian thực hiện Đề án bình ổn giá hàng hóa dịp Tết bắt đầu từ ngày 1/1/2020 đến 28/2/2020. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá chỉ đạo các đại lý có điểm bán hàng bình ổn giá tổ chức treo băng zôn, niêm yết công khai giá bán lẻ tại các điểm bán và thực hiện đầy đủ các nội dung đã ký kết.
Qua công tác kiểm tra, khảo sát của Sở Công Thương tại một số doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu, một số siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy hầu hết đã xây dựng kế hoạch và đang nhập các mặt hàng về dự trữ trong dịp Tết.
Đặc biệt các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã cam kết hàng hóa đảm bảo số lượng và chất lượng, không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém phẩm cấp; kho hàng đủ lượng dự trữ và đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP, giữ gìn hàng hóa theo quy định.
Cùng với các giải pháp bình ổn giá, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước trong và sau Tết.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng...theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Sở phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.
Giáng Hương