Trong những năm qua, các làng nghề trong tỉnh đã có sự chuyển mình để phù hợp với yêu cầu phát triển hiện đại. Một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các nước khó tính như EU, Nhật Bản...
Tuy nhiên, đánh giá thực tế, hoạt động của các làng nghề và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở thủ công mỹ nghệ hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo hình thức gia công, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm còn nghèo nàn, ít được đầu tư về công nghệ, nghiên cứu khoa học để sáng tạo ra sản phẩm mới, lạ, độc đáo...
Chính vì vậy, việc tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một trong những giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tạo ra những sản phẩm mới đảm bảo chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Ông Lê Văn Hoan, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Triển khai thực hiện Thông tư số 26/2014/TT-BCT của Bộ Công thương về việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB), năm 2017, Sở Công Thương đã tổ chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB với quy mô cấp tỉnh, kết quả đã bình chọn được 25 sản phẩm đạt tiêu chí, trong đó có 10 sản phẩm tiêu biểu xuất sắc; hoàn thiện hồ sơ đăng ký bình chọn cấp quốc gia, kết quả có 3 sản phẩm được bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia. Năm 2018, có 2 sản phẩm được công nhận là SPCNNTTB khu vực phía Bắc và năm 2019 có 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia.
Năm 2019 Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức bình chọn sản phẩm CNNTTB trên địa bàn tỉnh. Theo đó các huyện, thành phố trên địa bàn tích cực phối hợp triển khai, tổ chức công tác bình chọn; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn lập hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh.
Sở Công thương đã tổ chức khảo sát thực tế tại một số cơ sở có sản phẩm đăng ký tham gia tập trung vào nhóm sản phẩm chế biến và sản phẩm có kích thước lớn. Qua khảo sát, các cơ sở tham gia bình chọn thuộc nhóm sản phẩm chế biến đều có đầy đủ giấy phép về an toàn thực phẩm và chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất các sản phẩm có kích thước lớn (sản phẩm đá mỹ nghệ, bơm vô ống) hoạt động tương đối ổn định, doanh thu đạt từ 2-4 tỷ đồng/năm, mang lại việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/tháng.
Đến nay, Sở Công Thương đã tiếp nhận 42 hồ sơ, sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh của 28 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất công nghiệp, TTCN trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm đăng ký tham gia được chia theo 4 nhóm, gồm: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ (20 sản phẩm); nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (17 sản phẩm); nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí (1 sản phẩm); nhóm các sản phẩm khác (4 sản phẩm).
Có thể khẳng định, việc thực hiện chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB ở tỉnh đã có những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy sự đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn. Qua đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn khi tham gia chương trình, đã quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu cải tiến mẫu mã và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm…, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bài, ảnh: Phạm Minh Ngọc