Các đơn vị được cấp phép sẽ nhanh chóng được triển khai kinh doanh dịch vụ trên nền 3G.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Di động băng rộng 3G do Hội Vô tuyến điện tử phối hợp với MIC, Cty Qualcom và Hiệp hội di động toàn cầu GSMA tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội.
Trong số 7 nhà cung cấp dịch vụ di động của Việt Nam, ngoài hai mạng đã sử dụng công nghệ CDMA để triển khai và cung cấp dịch vụ 3G là EVN Telecom và S-Fone ở băng tần 450 và 800Mhz, ba mạng sử dụng công nghệ GSM là VinaPhone, Viettel và MobiFone cũng thể hiện những lợi thế nhất định về thị phần.
Thêm vào đó, G-tel với một đối tác có khá nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai tại những quốc gia khác. Do đó, tất cả các nhà khai thác dịch vụ điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay đều có tiềm năng để triển khai và cung cấp dịch vụ 3G với hiệu quả tốt.
Cũng theo Thứ trưởng Thắng, việc triển khai 3G ở Việt Nam sẽ tốn kém hàng tỷ USD. Để giúp cho việc triển khai thành công 3G tại Việt Nam, đã đến lúc doanh nghiệp phải bắt tay vào xây dựng nội dung cho 3G nhằm cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng trên điện thoại di động khi đã có băng rộng.
Hiện nay Việt Nam có hơn 20% dân số truy cập Internet, nhưng mới chỉ có 2% truy cập băng thông rộng, 18% còn lại chính là khoảng trống mà khi 3G xuất hiện có thể bù đắp được.
Trong khi thế giới đang thay đổi với những ứng dụng hằng ngày với 3G, việc đi sau trong triển khai 3G tại Việt Nam vừa được các chuyên gia xem là một lợi thế, khi chúng ta vừa có thể học hỏi kinh nghiệm, vừa sử dụng những trang thiết bị 3G đã được chuẩn với giá thành rẻ hơn so với những năm trước đây.
Theo Tienphong