Mới đây, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng cũng đã chính thức khởi công xây dựng với công suất 3,6 triệu tấn/năm, trên cơ sở nền tảng của nhà máy cũ thuộc Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 6 nhà máy xi măng lớn (Tam Điệp, Hướng Dương, Duyên Hà, Hệ Dưỡng, Vinakansai, Phú Sơn), trong đó đã có một số nhà máy chính thức đi vào hoạt động, đã có thương hiệu sản phẩm trên thị trường: Xi măng Tam Điệp, xi măng Vinakansai… Xi măng Duyên hà cũng đã chính thức đi vào hoạt động dây chuyền 1, công suất 600.000 tấn/năm từ ngày 18/12/2007. Tại buổi đến thăm và kiểm tra công trình nhà máy của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Văn Duyên, Giám đốc Nhà máy đã báo cáo với Đoàn về tiến độ xây dựng công trình cũng như tình hình hoạt động của Nhà máy.
Toàn cảnh nhà máy xi măng Vinakansai Ninh Bình
Cuối tháng 3/2006, Nhà máy xi măng Duyên Hà đã được khởi công xây dựng. Sau 17 tháng vừa san lấp mặt bằng, cừa thi công xây dựng các hạng mục công trình, đến nay dây chuyền 1 đã hoàn thành đi vào sản xuất. Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn chạy thử, hiệu chỉnh, nhưng đó là sự cố gắng vượt bậc của nhà đầu tư, đơn vị thi công, Ban lãnh đạo Nhà máy và tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy. Nằm trên địa bàn xã Ninh Vân (Hoa Lư), Nhà máy đã trở nên sôi động, nhộn nhịp với các hoạt động đầu tư xây lắp, sản xuất và các dịch vụ khác. Theo lãnh đạo Nhà máy và qua quan sát của chúng tôi, đây là Nhà máy có công nghệ, thiết bị tiên tiến của châu Âu; xi măng được sản xuất theo công nghệ khô, lò quay…
Nhà máy cũng đã chínhthức làm lễ động thổ xây dựng dây chuyền 2,
công suất 2,1 triệutấn/năm vào đúng ngày dây chuyền 1 đi vào hoạt động và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009. Hiện tại dây chuyền 1 đã tạo việc làm cho gần 400 lao động và trong tương lai khi dây chuyền 2 đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 1.200 lao động. Tại buổi thăm và kiểm tra công trình Nhà máy xi măng Duyên Hà, đồng chí Đinh Văn Hùng, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương sự nỗ lực cố gắng của nhà đầu tư, đơn vị thi công, Ban lãnh đạo Nhà máy, cán bộ, công nhân viên Nhà máy… đã tập trung nhân, vật lực trong thời gian ngắn để đưa Nhà máy đi vào sản xuất. Việc Nhà máy đi vào hoạt động sẽ đóng góp một phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong các năm tới.
Nhờ chính sách thông thoáng về thu hút đầu tư nước ngoài của UBND tỉnh Ninh Bình, trong thời gian qua, Tập đoàn Xi măng LucKy, Công ty Jin Lih Investment Corp đã đặt niềm tin và quyết định triển khai các bước đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng. Đã hoàn tất việc mua cổ phần của Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng (cũ) và đang tiến hành các bước bàn giao. Bên cạnh việc đảm bảo duy trì hoạt động của Nhà máy cũ, ổn định thu nhập và đời sống cán bộ, công nhân trong Công ty, nhà đầu tư cũng đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy mới với công suất 3,6 triệu tấn/năm vào ngày 28/12/2007. Nhà máy mới có 2 dây chuyền đồng bộ từ khâu đầu (nguyên liệu vào) đến khâu cuối (đóng bao thành phẩm). Công nghệ sản xuất, thiết bị sản xuất tiên tiến của châu Âu. Tổng mức đầu tư xây dựng 360 triệu USD với 100% vốn của nước ngoài. Trước mắt sẽ xây dựng dây chuyền 1 và hoàn thành vào tháng 9/2009. Sau khi hoàn thành dây chuyền 1, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng cũ được dỡ bỏ để xây dựng dây chuyền 2 và hoàn thành vào năm 2013. Đại diện HĐQT Công ty, nhà đầu tư cũng đã cam kết: đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh; đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động; có kế hoạch đào tạo cán bộ, công nhân và lộ trình điều động, chuyển dần lao động, cán bộ, công nhân viên sang Nhà máy mới khi họ có nguyện vọng, yêu cầu ở lại.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ khởi công Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Đây là dự án Nhà máy xi măng có công suất lớn, thiết bị lò quay hiện đại, nguồn vốn đầu tư 100% từ nước ngoài. Chắc chắn dự án sẽ đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên và khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị 2 nhà đầu tư cần tập trung mọi khả năng, nguồn lực thi công dự án đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. UBND huyện Hoa Lư có trách nhiệm trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, chú ý đến công tác tái định cự, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất trước mắt cũng như lâu dài cho các hộ dân phải di dời. Các ngành có liên quan tạo mọi điều kiện để dự án triển khai nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả. Nhân dân các xã Ninh Vân, Ninh An, Ninh Hải tiếp tục ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất tại khu tái định cư.
Như vậy, liên tiếp trong những ngày cuối năm 2007, một số công trình trọng điểm đi vào sản xuất và khởi công xây dựng. Đó là tín hiệu vui cùng với những công trình dự án khác tạo nên "diện mạo" mới cho kinh tế tỉnh ta trong năm 2008 và các năm tiếp theo.
Đinh Chúc