Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư với mức trên 11 nghìn tỷ đồng được xây dựng trong Khu công nghiệp Khánh Phú, trên diện tích hơn 40 ha và thời gian xây dựng 42 tháng. Đây là dự án lớn trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng là dự án trọng điểm của ngành Hóa chất và Bộ Công thương. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cùng với các nhà máy đạm khác đáp ứng được khoảng 65-70% tổng lượng đạm urê cần cho sản xuất nông nghiệp của cả nước. Sau gần 3 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, đến nay dự án đã đi vào giai đoạn "nước rút". Theo báo cáo của tổng thầu (Công ty Tư vấn, thiết kế, thầu khoán Hoàn Cầu - Trung Quốc) và Ban quản lý dự án thì: Giá trị đầu tư xây dựng kể từ khi khởi công đến nay đạt 9.175 tỷ đồng, bằng 87% tổng mức đầu tư, trong đó xây lắp đạt 1.604 tỷ đồng, thiết bị đạt 5.949 tỷ đồng, chi phí khác đạt 1.622 tỷ đồng. Tổng giá trị thanh toán đạt 6.753 tỷ đồng, bằng 64% tổng nguồn vốn. Công tác thi công xây lắp ước đạt 72% khối lượng, bằng 77% kế hoạch, trong đó thi công móng và kết cấu hoàn thành 100%, phần hoàn thiện xây dựng đạt 80%. Đã hoàn thành ống khói xưởng nhiệt điện cao 120 m; cơ bản hoàn thành nhà kho, xưởng sửa chữa, trạm điện, hệ thống xử lý nước tuần hoàn và tháp tạo hạt urê cao gần 100 m. Hoàn thành lắp đặt đường ống chìm và 95% đường ống nước thải công nghiệp. Lắp đặt các thiết bị đạt 85%: tháp tổng hợp Amôniắc, hộp lạnh của hệ thống phân ly không khí công suất 35.000 m3 ôxy/giờ, lắp đặt 2 máy biến thế loại 12.000 KVA/máy, đang lắp đặt lò hơi số 1, số 2, số 3 và một số thiết bị khu tinh chế khí, tổng hợp NH3, bồn chứa Amôniắc lỏng, khu tổng hợp urê. Kết cấu thép, khung giá hoàn thành 93% khối lượng… Công tác mua sắm, đặt hàng chế tạo thiết bị đạt 92% tổng giá trị thiết bị vật tư theo hợp đồng. Một số thiết bị quan trọng đã về đến công trường an toàn như: Tháp tổng hợp NH3 nặng 273 tấn, máy nén khí tổng hợp, tháp tinh chế CO và rửa Rectisol, bơm dung dịch Amôniắc và Cacbamat. Đặc biệt lò khí hóa Shell chế tạo tại ấn Độ, nặng 1.032 tấn đã được lắp đặt vào vị trí. Công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực đã và đang được chú trọng. Đã tuyển dụng được 377 người theo kế hoạch đào tạo, trong đó lao động là người Ninh Bình có 130 người, chiếm 35% tổng số người được tuyển dụng. Dự kiến tháng 11-2011, công trình sẽ được hoàn thành và đi vào sản xuất.
Trên công trường hiện có khoảng 17 nhà thầu thi công và tư vấn, trong đó có 15 nhà thầu Trung Quốc, 1 liên doanh nhà thầu châu Âu và 1 nhà thầu Việt Nam với số lượng khoảng 2.500 người. Mỗi nhà thầu đảm nhiệm một hạng mục, công trình, công việc khác nhau, nhưng đều có một mục tiêu chung là bám sát kế hoạch và tiến độ của tổng thầu, đảm bảo thời gian và chất lượng của công trình. Nhiều nhà thầu bố trí cán bộ, công nhân viên ăn Tết ngay tại công trường và tổ chức thi công liên tục cả ngày lẫn đêm. Vẫn còn đó những khó khăn như giá cả vật tư, tỷ giá đồng đô la biến động, diễn biến bất thường… nhưng với quyết tâm của Ban quản lý dự án, các nhà thầu, cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tin tưởng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng đảm bảo, nhằm sớm có được sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của nước nhà.
Đinh Chúc