Tại Đền vua Đinh, vua Lê, ngay từ sáng sớm, mây mù bảng lảng tạo nên một không gian huyền bí, linh thiêng. Các đoàn khách thập phương, những người dân lân cận… tấp nập đổ về xã Trường Yên - nơi diễn ra lễ hội Hoa Lư. Những nam thanh, nữ tú với những bộ xiêm áo lộng lẫy, thanh lịch; những cụ già với dáng vẻ khoan thai và bầy trẻ nhỏ tung tăng, háo hức đã tạo nên không khí vui tươi, náo nức cho một mùa lễ hội mới.
Chúng tôi gặp ông Lê Đình Phái, ở xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư khi ông đang xúc động ngắm nhìn những cảnh vật thân quen trong Khu di tích. Ông Phái tâm sự, những năm tháng tuổi trẻ ông đi bộ đội, rồi công tác, sinh sống, lập gia đình ở trong miền Nam. Về hưu được hơn chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày quê hương mở hội thì ông thu xếp công việc để về quê dự hội. Năm nay cũng vậy, về với lễ hội, ngắm nhìn cảnh sắc quê hương, ông cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của quê hương mình.
Ông bảo, mọi trang trí, khánh tiết, các chương trình chuẩn bị phục vụ lễ hội đều đẹp, bài bản hơn xưa. "Tôi đã cao tuổi rồi, cũng không biết còn được dự lễ hội Trường Yên thêm được bao nhiêu năm nữa. Với tôi, về với lễ hội là được trở về với cội nguồn. Từ chục năm nay, hầu như năm nào quê hương mở hội tôi cũng về. Vậy mà mỗi lần về với lễ hội, cái cảm giác háo hức, linh thiêng thì vẫn còn vẹn nguyên. Tôi nghĩ niềm tự hào, trách nhiệm tạo nên một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa của các vùng, miền không chỉ là của riêng người dân xã Trường Yên mà còn là của từng người dân trong tỉnh.
Đoàn học sinh về Lễ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao các vị Vua đã có công dựng nước và giữ nước. Ảnh: TM
Cũng trong ngày hôm nay (9/3 âm lịch), mọi du khách đều không dấu nổi niềm xúc động khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm em học sinh nhỏ của tỉnh Nam Định xếp hàng theo thứ tự , lần lượt vào dâng hương tại Đền vua Đinh. Cô giáo Hà Thanh là một trong những giáo viên đưa đoàn học sinh về với lễ hội chia sẻ: Hôm nay ngành Giáo dục thành phố Nam Định đã tổ chức cho đoàn học sinh hôm nay gồm hơn 200 em là học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Nam Định về dâng hương trước bàn thờ vua Đinh, vua Lê. Đây là một trong những hoạt động truyền thống rất có ý nghĩa của nhà trường.
Qua đó, góp phần giáo dục cho các em hiểu thêm về lịch sử của một triều đại và vị vua Đinh đã có công dẹp loạn 12 sứ quân; tiếp thêm nghị lực, bồi tụ thêm lòng tự hào dân tộc và quan trong nữa là khơi gợi ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.
Cũng trong lần về chiêm bái Khu di tích lịch sử đền vua Đinh, vua Lê lần này chúng tôi sẽ tổ chức trao thưởng cho các em có thành tích học tập xuất sắc. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho các em học sinh nhỏ xem các trò chơi dân gian diễn ra trong ngày như: đấu vật, tổ tôm điếm, chọi gà… Có nhiều trò chơi các em chưa hiểu hết ý nghĩa, cách thức chơi… song đa số các em đều rất hào hứng, muốn hiểu và khám phá về những trò chơi dân gian, mang đậm đà bản sắc truyền thống của dân tộc, hướng các em về với cội nguồn.
Chăm chú theo dõi, thỉnh thoảng lại giải thích cho mấy đứa cháu nhỏ về luật chơi, cách chơi trong hội thi tổ tôm điếm do các cụ cao tuổi đang biểu diễn tại lễ hội, bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ, tôi quê gốc ở xã Trường Yên, lớn lên thì làm việc ở Thanh Hóa rồi sinh cơ lập nghiệp ở đó. Quá nửa đời người rồi, được trở lại quê đúng vào dịp địa phương mở hội với tôi đó là những cảm xúc rất đặc biệt.
Từ mấy ngày trước khi diễn ra lễ hội, tôi đã thấy người người, nhà nhà ở xã Trường Yên đều tất bật chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa, đường xá và chuẩn bị lễ vật để làm lễ, dâng hương trong ngày khai hội. Đối với những người được phân công tham gia trực tiếp lễ hội thì đều tự giác, chủ động và tích cực tập luyện để chuẩn bị các tiết mục, phần việc được giao với ước muốn đóng góp vào thành công của lễ hội…
Ngày tôi còn nhỏ, hội Trường Yên chỉ được tổ chức với quy mô cấp làng, cấp xã, song với những người dân Trường Yên và các vùng lân cận thì đó là một hoạt động tâm linh được chờ đợi nhất trong năm. Từ thời xưa, mặc dù đời sống của bà con địa phương còn bộn bề khó khăn. Ai cũng phải bươn chải mải lo kiếm sống, nhưng cứ vào khoảng thời gian tổ chức lễ hội thì ai cũng thu xếp công việc để về dự và mang đến một sản vật do chính tay mình làm ra để tiến cúng Vua. Người dân tham gia dâng hương theo trật tự từng thôn.
Mỗi thôn chuẩn bị lễ gồm hoa quả, đĩa xôi, khổ thịt hay con gà... do chính tay bà con nuôi, trồng được để thành tâm tiến cúng Vua, cầu cho Quốc thái dân an, một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào. Ngày nay, đời sống của bà con đã khá lên nhiều. Quy mô lễ hội được nâng lên ở cấp tỉnh, với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, việc tổ chức lễ hội được chuẩn bị công phu, hoành tráng… song những phong tục truyền thống ấy vẫn được gìn giữ như một báu vật. Mỗi người dân Trường Yên đều có ý thức gìn giữ hình ảnh thanh lịch của người Cố đô thông qua những việc làm, lời nói, công việc của chính mình.
Đặc biệt, cùng với sự chuẩn bị công phu với những tiết mục đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc của Ban tổ chức thì nhiều du khách đều chia sẻ rằng, người dân địa phương, nhất là những hộ sống gần Khu Di tích cũng đã có ý thức hơn trong việc tham gia các dịch vụ kinh doanh mùa lễ hội.
Từ quán xá ven đường, hay những điểm trông giữ xe… đều không còn tình trạng chèo kéo, tranh giành khách hoặc bày bán tràn lan ra ngoài đường… vừa gây mất trật tự an toàn giao thông, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan lễ hội. Với những việc làm thiết thực đó của mỗi người dân Trường Yên, tin rằng Lễ hội Hoa Lư thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con đất Việt.
Đào Hằng