Ông Bùi Văn Thông, 47 tuổi, ở thôn Tân Thành, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) vừa trở về quê sau sau 1 tháng bị Công an Trung Quốc bắt giam vì nhập cảnh trái phép. Khuôn mặt khắc khổ, ông cho biết đầu tháng 5, sau khi nộp khoản phí 6 triệu đồng cho người môi giới, ông Thông cùng 17 người khác Hòa Bình… lên xe đến cửa khẩu Móng Cái. Tại đây, đoàn đã được đưa sang đất Trung Quốc. Đang khấp khởi với những kế hoạch khi đặt chân đến "miền đất hứa", thì bất ngờ chiếc xe ô tô chở lao động Việt Nam đã bị công an phía Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ vì nhập cảnh trái phép. Bị bắt giam, vừa buồn vì kế hoạch không thành, lại vừa hoang mang, ông Thông vẫn điện về động viên, trấn an gia đình kèm theo lời nhắn: Cứ để ông ngồi trong trại giam và gia đình không phải lo khoản tiền 30 triệu để chuộc ông về.
Ông Thông tâm sự: Ngồi trong trại giam cũng hoang mang lắm, nhưng đành chấp nhận vì khoản tiền chuộc lớn như vậy, gia đình tôi biết xoay sở ở đâu ra. Vợ chồng tôi có hai đứa con, chúng đang tuổi ăn tuổi học. Vợ tôi thì bị hỏng một mắt, thị lực kém nên cũng chẳng làm được việc gì. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình chỉ biết trông vào 5 sào ruộng khoán nên cuộc sống hết sức khó khăn. Để có tiền lo cho gia đình, tôi đã phải đi làm ăn xa, thợ xây, làm đá, làm mộc… tôi đều đã làm nhưng cũng chẳng đủ để lo cho gia đình. Năm 2012, một người trong xã đi làm ăn ở Trung Quốc nhiều năm về quê ăn Tết. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, nên đã ngỏ ý muốn giúp tôi sang Trung Quốc chỉ với mức phí 6 triệu đồng. Ai ngờ vừa mới sang tới nơi đã bị bắt. Khoản tiền 6 triệu đồng nộp cho môi giới, tôi phải đi vay lãi mới có. Bây giờ về quê, chẳng biết đến bao giờ mới trả được số nợ này…
Còn đối với anh Bùi Văn Toàn, thôn Lạc Bình 2 thì đây là lần thứ 2 anh trở về nước sau khi đi xuất cảnh "chui" sang Trung Quốc. Anh kể, năm 2010 anh theo người bà con sang Trung Quốc làm công nhân cho một nhà máy sản xuất nhựa. Công việc tuy vất vả, nhưng đổi lại anh cũng kiếm được chút tiền kha khá để gửi về cho gia đình. Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", chưa kịp hưởng lương tháng thứ 3 thì anh bị trục xuất về nước sau một lần xí nghiệp bị cảnh sát kiểm tra.
Về quê được một thời gian, anh Toàn lại đi tìm việc. Chẳng nề hà kén chọn việc lớn, việc nhỏ, ai thuê gì anh Toàn làm nấy cũng kiếm được gần 100 nghìn/ngày. Tuy nhiên, công việc không ổn định. Có thời điểm, anh "ngồi chơi xơi nước" cả …tháng trời. Anh Toàn tâm sự, ở quê tôi không có doanh nghiệp nào, bởi thế, muốn làm công nhân thì phải xuống tận khu công nghiệp Gián Khẩu. Tôi đã thử việc ở một công ty may với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Xa nhà, tôi phải ở trọ. Mỗi tháng trừ tiền nhà, tiền ăn uống… tằn tiện lắm cũng chỉ dư được 1 triệu cho gia đình. Khoản tiền này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của 3 đứa con đang tuổi đến trường.
Đến cuối năm 2012, anh Toàn nghỉ việc và lại bắt đầu cuộc phiêu lưu sang Trung Quốc. "Lần này, tôi không may mắn như lần trước. Tôi được nhận vào làm cho một doanh nghiệp chuyên nấu nhựa, thời gian làm việc từ 12-14 tiếng/ngày. Công việc vất vả, thu nhập không ổn định, lại suốt ngày lo bị cảnh sát bắt nên tôi sinh bệnh. Tiền làm chẳng đủ tiền thuốc men, đầu năm 2013 tôi tình nguyện về nước. Nhưng về rồi lại phải đối mặt với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Thực sự, hiện nay tôi vẫn chưa tìm ra được hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình" - anh Toàn than thở.
Từ năm 1996, Thạch Bình có người đầu tiên đi xuất khẩu lao động "chui" sang Trung Quốc. Từ đó, số lao động tham gia vào thị trường này ngày càng tăng, đặc biệt là từ đầu năm 2013 đến nay đã có 120 người sang Trung Quốc nâng tổng số lao động xã Thạch Bình ở Trung Quốc lên 159 người. Theo báo cáo của UBND xã Thạch Bình, 100% số lao động này nhập cảnh vào Trung Quốc bằng hình thức trái phép, và 99% trong số họ sang Trung Quốc bởi nhu cầu việc làm.
Ông Vũ Dũng, Trưởng Công an xã Thạch Bình cho biết, khi nắm được thông tin trên địa bàn xã có tình trạng đi lao động bất hợp pháp, chúng tôi đã đến từng nhà đối tượng để vận động, phân tích để họ và gia đình hiểu tác hại của xuất cảnh trái phép, đồng thời tuyên truyền để họ nắm được chính sách về xuất khẩu lao động hợp pháp. Từ đó, tư vấn, định hướng cho họ lựa chọn thị trường lao động phù hợp. Song, hầu hết lao động đều băn khoăn vì mức phí phải đóng khi tham gia xuất khẩu lao động hợp pháp hiện nay vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Bởi thế, nên họ vẫn tìm mọi cách để vượt biên sang Trung Quốc, dù biết những rủi ro mà họ có thể gặp.
Thạch Bình là một xã có tỷ hộ nghèo cao của huyện Nho Quan. Những năm qua, mặc dù công tác giảm nghèo của xã đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu như năm 2012, tỷ lệ nghèo của xã đã giảm hơn 6% so với năm 2011, song hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Thạch Bình vẫn còn ở mức rất cao, trên 18%. Và một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là lao động địa phương chưa có nghề và việc làm ổn định.
Trong khi đó, dù là xã thuần nông, song Thạch Bình lại không được thiên nhiên ưu ái cho những điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Địa hình không bằng phẳng, hầu hết là ruộng bậc thang, trong khi đó hệ thống thủy lợi của xã mới có khả năng cung cấp nước cho một số thôn. Cá biệt, ở một số cánh đồng chưa có hệ thống thủy lợi, lại không được hưởng lợi từ các hồ nước tự nhiên nên người dân phải tự đào ao, đào giếng ở giữa cánh đồng để tưới tiêu, chăm sóc lúa. Thu nhập chính của người lao động là dựa vào nghề nông. Vất vả là vậy song thu nhập từ đồng ruộng lại chẳng đáng là bao vì chi phí cho sản xuất nông nghiệp rất lớn. Không bám trụ được với ruộng đồng, nhiều hộ dân cho thầu, thậm chí…cho người khác mượn đất cấy để "ly hương", đi tìm kế sinh nhai.
Và chẳng kịp dành cho gia đình những câu chuyện hàn huyên sau một thời gian vất vả bên xứ người, những lao động từ Trung Quốc vừa "chân ướt, chân ráo" về nước đã vội vã hòa cùng lượng lao động địa phương mải miết tìm cơ hội việc làm ở những miền đất xa lạ. Với họ, mưu sinh hàng ngày vẫn là yêu cầu thúc bách. Ông Bùi Văn Thông ngậm ngùi: "Tôi không thể đi làm ăn xa được vì thị lực của vợ tôi ngày càng kém. Chúng tôi mong muốn được học nghề và có một công việc ổn định với mức thu nhập tương xứng với sức lao động ở ngay trên quê hương mình". Mong mỏi của ông Thông cũng là tâm sự của hàng trăm lao động của xã Thạch Bình.
Hiện nay, Ninh Bình đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Những lao động của Thạch Bình đang chờ đợi một sự đổi thay tích cực do chương trình và đề án này mang lại. Bên cạnh đó, Thạch Bình cũng rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tìm ra những giống con nuôi, cây trồng phù hợp với địa phương để giúp bà con có thể thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất khó này.
Bài, ảnh: Linh Huệ