Sau khi thực hiện thành công ca đỡ đẻ cho một phụ nữ trong xã, y tá Vũ Thị Hường cẩn thận kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời hướng dẫn người nhà sản phụ cách chăm sóc mẹ và bé ngay những giờ đầu sau sinh. Bà Bùi Thị Năng, mẹ chồng của sản phụ vừa mới sinh, phấn khởi cho biết, đây là lần sinh thứ 2 của con dâu tôi, nhưng là lần đầu tiên sinh tại trạm y tế. Khi con tôi sinh đứa đầu tiên, gia đình cũng đưa ra Trạm y tế xã, song do thai to, trong khi trạm y tế lại thiếu các thiết bị siêu âm nên các bác sĩ cũng không dám nhận đỡ mà giới thiệu lên Bệnh viện Đa khoa huyện. Nhưng từ khi mang bầu đứa thứ 2, con dâu tôi đã được các nhân viên Trạm y tế tuyên truyền, hướng dẫn cách theo dõi thai kỳ, kết hợp với khám thai, siêu âm định kỳ tại trạm. Nên khi chuyển dạ, gia đình rất yên tâm cho con tôi sinh nở tại Trạm y tế xã. Không chỉ đỡ đẻ an toàn, các y, bác sĩ còn hướng dẫn gia đình cách chăm sóc sản phụ một cách khoa học chứ không phải kiêng khem theo kinh nghiệm lạc hậu.
Ông Trần Quốc Du, bác sĩ của Trạm y tế xã Xích Thổ cho biết: Xã Xích Thổ cách trung tâm y tế huyện Nho Quan 13 km, vào mùa mưa lũ (tháng 7, tháng 8) thì tuyến đường "độc đạo" ra Trung tâm y tế huyện bị ngập lụt, đi lại rất khó khăn. Bởi thế, mà hầu hết người dân ở đây đều muốn được khám, chữa bệnh tại Trạm y tế xã, nhất là các sản phụ ở đây đều muốn được đỡ đẻ tại Trạm.
Song, trước đây, do chưa có máy siêu âm, máy đo tim thai nên nhiều khi bác sĩ vừa đỡ đẻ vừa…lo vì có những sản phụ từ lúc mang thai đến lúc sinh chưa siêu âm lần nào. Mặt khác, việc thiếu trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cũng khiến cho đội ngũ y, bác sĩ của Trạm ít có cơ hội được ứng dụng những kiến thức đã học để trau dồi nghề nghiệp…
Nhưng nay thì những khó khăn này đã được khắc phục, hiện Trạm y tế xã đã được trang bị máy siêu âm, máy xét nghiệm đường huyết… thực sự mang lại niềm vui cho bà con trong xã. Từ đầu năm đến nay, đã có 131 ca đẻ tại Trạm y tế xã. Mỗi ngày, Trạm đón hàng chục lượt bệnh nhân tới khám, chữa bệnh.
Cùng với nỗ lực thực hiện thành công những ca đẻ tại Trạm, những năm qua, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của Trạm Y tế Xích Thổ cũng có nhiều hoạt động tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trên địa bàn. Theo đó, hàng tháng, đội ngũ cộng tác viên y tế của Trạm thường xuyên theo dõi, nắm bắt số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai để kịp thời tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Đồng thời, vận động chị em đi khám thai, khám sức khỏe định kỳ, qua đó sớm phát hiện tình trạng bị nhiễm độc thai nghén để có hướng xử lý kịp thời. Hiện, toàn xã có 51 phụ nữ đang mang thai. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay nhận thức của chị em có nhiều chuyển biến tích cực.
Hầu hết, các hộ gia đình trong xã đã nắm được những kiến thức cơ bản về thực hành chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em như khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván trước khi sinh, chăm sóc sau sinh, uống Vitamin A…, tỷ lệ phụ nữ đến khám thai tại Trạm y tế ngày càng tăng, công tác tiêm phòng cho bà mẹ cũng như Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em hàng năm đều đạt kết quả cao.
Đến nay, 100% phụ nữ có thai được tiêm chủng và khám thai định kỳ, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh chiếm trên 99%, không có trường hợp tai biến sản khoa nào.
Bên cạnh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, xóm cũng chú trọng việc vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho các đối tượng. Chị Vũ Thị Hường, y tá của Trạm Y tế xã Xích Thổ chia sẻ, ở Xích Thổ, đa số chị em phụ nữ làm nông nghiệp, bởi vậy mà công việc bận rộn quanh năm, ít có thời gian để chăm sóc sức khỏe cho chính mình.
Vì vậy, khi đi tuyên truyền, chúng tôi phải linh hoạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền vào buổi tối tại từng hộ gia đình, từ đó làm chuyển biến về nhận thức cho chị em. Trong năm 2017, trên địa bàn xã có thêm 307 phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai, trên 200 lượt phụ nữ được khám phụ khoa định kỳ.
Ngoài ra, chất lượng các dịch vụ KHHGĐ cũng ngày càng được nâng cao đã góp phần giúp chị em tiếp cận nhanh và lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp. Đặc biệt, chiến dịch lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình được tổ chức thực hiện hàng năm tại trạm là cơ hội tốt để phụ nữ trên địa bàn, nhất là phụ nữ nghèo có thêm kiến thức về cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Đào Hằng