Từ những nỗ lực xóa bỏ hủ tục
Câu chuyện về nghề giữa chúng tôi và y sỹ Bùi Xuân Nhân, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cúc Phương được mở đầu bằng ký ức của ông cách đây hơn 20 năm về trước. Ông kể: hồi nhỏ, tôi từng chứng kiến cảnh người thân phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu bằng cáng, vượt qua đèo dốc hàng chục km mới đến được trung tâm y tế; hay những lúc bệnh nặng không thể đi được, người nhà phải mời y sĩ ở tận Kỳ Phú sang tiêm vì ở Cúc Phương không có y sĩ... mỗi lần như vậy rất mất thời gian, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.
Ông Bùi Xuân Nhân cho biết thêm, đặc thù của Cúc Phương là vùng cao, địa bàn rộng và có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống (86%), trình độ dân trí không đồng đều nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con đối với công tác y tế, vệ sinh phòng dịch. Trước đây, nhiều bản còn tồn tại các hủ tục như: ốm đau thì tự ngắt lá rừng để chữa hoặc mời thầy về cúng ma, đau đẻ nhờ bà "lang vườn" đến nhà đỡ đẻ… Vì vậy đã xảy ra những trường hợp tử vong không đáng có. Không ít gia đình ở đây vẫn có thói quen dựng chuồng trại chăn nuôi ở gần nhà, dùng hố tiêu không hợp vệ sinh. Điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều ông bố, bà mẹ mải đi làm nương rẫy nên không cho con đi tiêm chủng…
Sinh ra, lớn lên trên chính mảnh đất này và cũng là người Mường nên hơn ai hết y sĩ Bùi Xuân Nhân hiểu phong tục, tập quán cũng như những khó khăn, vất vả của đồng bào mình. Và dường như những nỗi khó nhọc ấy đã thôi thúc ông Bùi Xuân Nhân theo đuổi ước mơ trở thành thầy thuốc của bà con dân bản. Năm 1991, được xã Cúc Phương tạo điều kiện, ông Nhân đi học ở Trường Trung cấp y Ninh Bình.
Sau 2 năm học ở trường, ông Nhân về công tác tại Trạm y tế xã và gắn bó với nơi này suốt từ đó đến giờ. Ngày mới về công tác, Trạm chỉ có 2 cán bộ y tế. Ngoài công việc trực ở Trạm, khi nhận tin có người ốm, cho dù là trong đêm khuya hay mưa to gió lớn, ông Nhân cũng không ngần ngại băng rừng đến ngay gia đình người bệnh để khám. Trong quá trình khám, chữa bệnh, ông Nhân tuyên truyền, giải thích và vận động bà con không chữa trị bằng cách cúng bái mà phải đưa bệnh nhân đến Trạm y tế, các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Nơi vùng cao Cúc Phương gian khó nên hệ thống loa truyền thanh chưa được phủ khắp, vì vậy mỗi khi có đợt tiêm chủng hay chiến dịch kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, ông Nhân cùng cán bộ y tế của Trạm, y tế thôn bản phải lặn lội vượt suối, băng qua những cánh rừng heo hút đến từng gia đình có trẻ nhỏ để tiêm phòng, hướng dẫn người dân cách ăn ở sạch, cách phòng tránh thai, cách chăm sóc sức khỏe cho người già…
Hơn 20 năm qua, ở Cúc Phương, gần như không một thôn bản nào, hộ nào mà ông Nhân và các cán bộ y tế chưa từng đặt chân đến. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của ông Nhân và các đồng nghiệp ở Trạm trong nhiều năm đã dần dần giúp người dân thêm yêu quý và luôn dành cho họ những tình cảm nồng ấm, gần gũi. Giờ đây, bà con dân bản đã hiểu không thể nhờ thầy mo, bà lang "bắt con bệnh" mà phải nhờ các y, bác sỹ khám, chữa bệnh. Và mỗi khi có đợt tiêm phòng, các ông bố, bà mẹ đã đưa con đến Trạm y tế để tiêm. Phụ nữ đến thai kỳ đã đến Trạm y tế để sinh nở, đảm bảo an toàn.
Đến xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế
Ông Đinh Thúc Chiển, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, một trong những người tâm huyết với sự nghiệp y tế vùng cao vẫn còn nhớ như in những ngày tháng tham gia xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 1. Ông Chiển nói: Trước năm 1990, cơ sở vật chất phục vụ cho y tế gần như là con số không: "không trụ sở, không y sĩ"... Nơi khám bệnh của Trạm y tế là mấy gian phòng được Vườn Quốc gia Cúc Phương cho mượn. Trong khi đó, đời sống nhân dân còn nghèo (49% số hộ nghèo) thì làm sao có thể huy động sức dân tham gia xây dựng hạ tầng y tế? Làm thế nào để có đội ngũ cán bộ y tế, có bác sỹ để nhân dân tin tưởng khám, điều trị? Và làm thế nào để "níu" chân những người thầy thuốc gắn bó với vùng cao?... Hàng loạt những câu hỏi lớn được đặt ra, đòi hỏi những người cán bộ nơi đây luôn phải trăn trở suy nghĩ.
Trong "cái khó, ló cái khôn", bằng tinh thần trách nhiệm, cán bộ xã đã linh hoạt vận dụng những chính sách của Nhà nước để huy động các tổ chức Quốc tế đóng chân trên địa bàn tham gia tài trợ. Tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của tỉnh, huyện, Sở y tế, nguồn nhân lực của Trạm cũng được bổ sung, được quan tâm cử tuyển cho con em địa phương được đi đào tạo chuyên ngành bác sỹ đa khoa…
Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, năm 2005, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và một số tổ chức phi Chính phủ của Đức, Trạm y tế xã Cúc Phương được đầu tư xây dựng, đặt tại trung tâm của xã, lại được đặt gần trục đường giao thông liên xã nên việc khám, chữa bệnh của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Và cũng chính năm này, Cúc Phương là một trong 4 xã đầu tiên của huyện Nho Quan đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 1. Từ ngày Trạm được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh được nâng lên, đáp ứng sự mong đợi của người dân nơi đây.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân vì thế cũng ngày càng tăng cao, kéo theo mức độ yêu cầu chuẩn Quốc gia về y tế cao hơn. Một lần nữa, những kinh nghiệm đúc rút trong xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế trong giai đoạn 1 lại được xã Cúc Phương đem ra để bàn bạc, vận dụng cho phù hợp với tình hình mới. Với phương châm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh của Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1, Cúc Phương đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất theo hướng khang trang, hiện đại.
Năm 2012, xã đã dành nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ từ chương trình 135 (giai đoạn II) trên 3 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp khuôn viên trạm y tế với đầy đủ các phòng chức năng cơ bản đạt chuẩn; xây dựng vườn thuốc nam... Cùng với đó, xã tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ, y, bác sỹ được đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh tốt hơn.
Hiện nay, khuôn viên của Trạm y tế xã Cúc Phương đã được xây dựng khang trang, hiện đại với đầy đủ phòng chức năng, đảm bảo tốt các yêu cầu của chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2. Trạm y tế xã hiện có 4 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sỹ đa khoa kiêm y học cổ truyền, 2 y sỹ và 1 nữ hộ sinh. Hàng ngày, Trạm thực hiện trực khám 24/24 giờ, thu hút khá đông người dân đến khám và điều trị bệnh. Trung bình mỗi năm, Trạm khám và điều trị cho khoảng 3.000 lượt người.
Các trường hợp bệnh nặng đều được chuyển lên tuyến trên kịp thời, không xảy ra tai biến trong điều trị. Đối với phụ nữ có thai trong xã được quản lý chặt chẽ, 100% phụ nữ mang thai được tiêm phòng AT2 và 99% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ. Các bà mẹ mang thai được theo dõi, tiêm phòng uốn ván và sinh con tại cơ sở y tế trong điều kiện đảm bảo vô trùng. Trạm cũng thường xuyên tuyên truyền nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con nhỏ. Nhờ vậy, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em có hiệu quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi giảm. Các bệnh có nguy cơ lây cao như: Lao, phong, sốt rét... đều được kiểm tra, phòng bệnh thường xuyên.
Chị Đinh Thị Hiền, người dân trong xã cho biết: Tôi cũng như nhiều đồng bào Mường ở Cúc Phương mỗi khi ốm đau thì điều đầu tiên là tìm đến các y, bác sỹ ở Trạm y tế. Đến Trạm, chúng tôi được các cán bộ y tế tư vấn, điều trị kịp thời. Tôi rất hài lòng với thái độ, tinh thần nhiệt tình, tỉ mỉ của các y, bác sỹ. Họ đã quan tâm, chăm sóc người bệnh như chăm lo cho những người thân yêu trong gia đình của mình. Từ đó ý thức của người dân về phòng bệnh cũng từng bước được nâng cao, bà con đã nghe theo lời khuyên của thầy thuốc.
Một tin vui vừa đến với cán bộ, y, bác sỹ Trạm y tế xã Cúc Phương, đó là vừa qua xã Cúc Phương đã được Đoàn kiểm tra của Sở Y tế công nhận chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2. Theo kết luận của Đoàn, đối chiếu với các tiêu chí của Bộ chuẩn Quốc gia thì Cúc Phương đạt 100%. Như vậy, Cúc Phương đã chính thức đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2 (2011- 2020).
Hơn 20 năm gắn bó với ngành y, với vùng cao Cúc Phương, đã có không ít lần y sĩ Bùi Xuân Nhân được cấp trên tạo điều kiện về công tác ở miền xuôi. Nhưng ông vẫn luôn lựa chọn nơi này để đồng hành với bà con dân bản trong hành trình chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Y sĩ Bùi Xuân Nhân cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng so với ngày trước thì điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bà con ở đây được cải thiện hơn nhiều. Nhất là khi có bác sỹ và lực lượng y tế thôn bản, mọi công việc được triển khai thuận lợi hơn.
Song, yếu tố quan trọng nhất theo y sĩ Bùi Xuân Nhân, đó chính là sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành, sự tiến bộ trong nhận thức của bà con dân bản, cũng như niềm tin của họ dành cho cán bộ y tế đã là động lực quan trọng để ông và các đồng nghiệp tận tâm, tận lực gắn bó với nghề, gắn bó vùng cao gian khó. "Tôi tin rằng, khi đời sống được nâng cao thì nhận thức của bà con về chăm sóc sức khỏe của chính mình và cộng đồng sẽ ngày một tiến bộ hơn. Và như thế, việc nâng cao chất lượng công tác y tế vùng cao cho dù là khó nhưng vẫn sẽ làm được"- y sĩ Bùi Xuân Nhân nói.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc