Ai đó nói, vùng đất này là trù phú, chứ theo anh Phạm Xuân Thành ở xóm 5, xã Kim Hải (Kim Sơn) cho biết: Những ngày đầu gia đình anh chuyển từ trong xóm ra vùng bờ đầm này, chuyện khó nhất là nước ngọt. Vì có nước ngọt thì mới sinh sống được. Nước ngọt để chúng ta uống, vừa để tưới cây. Rồi anh Thành kể lại: Gia đình đã trụ lại đây được 17 năm.
Cùng với làm nhà lán, dựng nhà, đào đầm là chuyện khoan giếng tìm mạch nước ngọt. ở vùng đất bãi này, nước ngọt quý như máu trong cơ thể con người. Gia đình anh mượn thợ về thực hiện việc khoan, dò tìm nguồn nước. Nhiều mũi khoan 40 - 50 mét đành phải dừng vì gặp phải móng núi Điền Hộ có chân móng dưới tầng sâu lòng đất.
Gia đình anh chưa có điều kiện để đưa loại mũi khoan hạng nặng về "công phá" xuyên qua móng đá dày cả chục mét. Và rồi dày công thay đổi vị trí, thay các mũi khoan..., cuối cùng cũng chạm mạch nước ngầm có nước ngọt để dùng.
Có nước, cây cối sinh sôi, nảy lộc đơm hoa kết trái. Tương tự như gia đình anh Thành, bên cạnh việc canh tác thủy sản, nhiều hộ gia đình nơi đây cũng có thêm điều kiện trồng cấy các giống cây trên phần đất đang dần được ngọt hóa. Trong đó có các giống dưa đã đem lại giá trị kinh tế cao.
Gia đình chị Triệu Thị Quyên, xóm 6, xã Kim Đông thì cho biết: Khi chưa có nguồn nước ngọt, những ngày đầu ra vùng đất bãi ngang này, để cải tạo độ mặn trong đất, người dân thử trồng cây đinh lăng, cây từ, một thời gian sau thì trồng cây na, táo…
Qua mỗi vụ, độ mặn trong đất rồi cũng giảm đi nhiều phần. Vài vụ này, gia đình chị Quyên trồng dưa lê, dưa bở. Trước chỉ trồng vài gốc dưa để phục vụ nhu cầu của gia đình. Không ngờ, những quả dưa lê nho nhỏ lại cho vị thơm, ngọt và rất giòn.
Vụ dưa lê này, gia đình tận dụng mặt bằng (khoảng 2 sào) trên đất bờ đầm tôm, trồng xen canh cùng với 400 gốc thanh long. Trồng dưa trên đất cát có nhiều ưu điểm như sâu bệnh dễ bị rửa trôi xuống đầm, hơn nữa đất không giữ nước, không bị úng nên dưa không chết, khi có quả không bị thối.
Bên cạnh đó, khu vực bãi bồi thường biệt lập với các khu vực canh tác khác nên không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh từ các cây trồng. Vì thế, gia đình rất hạn chế phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng 30 ha dưa các loại. Các hộ xã viên tận dụng phần đất thân bờ đầm, tất cả các phần đất quanh lán trại, hoặc quanh nhà và triền đê….để trồng dưa.
Tuy chưa hết vụ thu hoạch, song ước tính, năng suất dưa lê khoảng trên 10 tấn/ha, dưa hấu gần 25 tấn/ha. Với giá bình quân 15 nghìn đồng/kg, thì mỗi sào dưa lê cũng cho giá trị 6 triệu đồng/sào, gấp 5 lần giá trị cấy lúa.
Đó là phần giá trị rất quý, góp phần đáng kể vào thu nhập của nhiều hộ gia đình, trong khi vụ tôm nước lợ vừa qua cho năng suất kém hơn nhiều năm.
Gia đình anh Thành, chị Quyên là một trong nhiều hộ có diện tích dưa mà chúng tôi được dịp ghé thăm. Cũng như xã Kim Đông, các xã Kim Hải, Kim Trung mỗi xã cũng trồng từ 5 đến 15 ha dưa các loại.
Bên cạnh các giống dưa lê, dưa hấu đã trồng cho kết quả khả quan, mấy năm nay, nhiều hộ đã trồng thêm cả giống dưa Kim Cô Nương, Kim Hồng Nương. Nhiều hộ dân thực hiện liên kết, góp vốn cùng đầu tư cải tạo đất, đào con mương để chứa nước mưa tưới cho cây trồng.
Đất bãi ven biển các xã bãi ngang ở Kim Sơn ngày càng được phủ xanh bởi cây dưa lê, dưa hấu...với diện tích tăng dần qua từng vụ. Quả dưa lê, dưa hấu, vùng bãi bồi ven biển được người tiêu dùng đón nhận bởi đây là sản phẩm sạch, ngày càng khẳng định chất lượng hơn dưa trồng ở nơi khác. Giá trị sản phẩm dưa nơi đây đã nâng cao vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng ven biển huyện Kim Sơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh