P.V: Thưa ông, sao người ta lại nói "ông Cộng kinh doanh mạo hiểm"?
Ông Bùi Xuân Cộng: Chặng đường tôi đi qua nhìn lại đầy chông gai như "bãi đá lộ đầu" nơi quê nghèo tôi sinh ra. Nhưng có lẽ chính những gai góc đó đã tôi luyện nên một ý chí, quyết tâm của "người lính thời bình" trên mặt trận phát triển kinh tế.
Năm 1993, tôi xin đăng ký thành lập doanh nghiệp,với tên gọi Xí nghiệp đầu tư xây dựng và dịch vụ than Xuân Hòa, mục tiêu là tạo công ăn việc làm cho con cháu trong gia đình và một số người trong thôn bản.
Khi đó Ninh Bình vừa tái lập tỉnh được 1 năm, Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, thời bấy giờ thành lập doanh nghiệp rất khó khăn, có trong tay nguồn vốn chỉ vẻn vẹn mấy chục triệu đồng, tôi phải về chạy vạy anh em, bạn bè cho đủ 100 triệu, dùng cả nhà để làm trụ sở.
Vợ con ai cũng lo lắng nếu như thất bại thì cả nhà sẽ không có nhà để ở. Sống trong vùng quê nghèo, phần lớn người dân là người dân tộc, trình độ dân trí thấp, nghe người ta bàn tán tôi cũng "nao lòng".
Nhưng với quyết tâm và kinh nghiệm gần 10 năm là đội trưởng Đội thủy lợi 202Thạch Bình, tôi tin mình sẽ vượt qua. Những bước đi khó khăn, thách thức ban đầu cũng nhanh chóng vượt qua nhờ biết cách quản lý, hạch toán. Xí nghiệp đã đứng vững và dần tích lũy thêm nguồn vốn chuẩn bị cho việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Năm 1997, khi đó nhà máy gạch Hoàng Long làm ăn không hiệu quả. Tôi đề nghị lãnh đạo huyện Nho Quan được mua lại nhưng huyện không dám quyết, trình lên UBND tỉnh.
Mặc dù lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ nhưng thời điểm bấy giờ Nhà nước chưa có cơ chế bán các công ty, xí nghiệp của nhà nước làm ăn thua lỗ cho tư nhân nên tỉnh Ninh Bình đã làm tờ trình lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Cùng với nhà máy gạch Hoàng Long một số nhà máy gạch, vôi của tỉnh được Thủ tướng chấp thuận bán lại cho tư nhân.
Tuy nhiên tôi không phải mua lại nhà máy gạch mà mua lại nợ của nhà máy này với số tiền là 50 triệu đồng, lớn hơn nhiều với giá trị thực của nhà máy nên nhiều người khi ấy bảo tôi "gàn dở".
Sau khi mua lại nhà máy, tôi từng bước ổn định sản xuất và đầu tư công nghệ mới. Năm 2.000 nhà máy gạch Tuynen đầu tiên được xây dựng ở Ninh Bình với tổng số tiền đầu tư 10 tỷ đồng, công suất 7 triệu viên/năm.
Nhà máy gạch Tuynen ra đời không chỉ là điểm nhấn trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh mà còn chứng minh cho chính sách đúng đắn của tỉnh khi bán, cổ phần các công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả cho tư nhân. Rất nhiều tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh... đã về tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình này.
Năm 2001, Công ty tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực du lịch. Được UBND tỉnh tạo điều kiện, phê duyệt dự án và cấp phép đầu tư, doanh nghiệp đã đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng Khu du lịch tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương trên nền bãi đá lộ đầu với 2 bể tắm, 15 bồn tắm sục, 25 phòng nghỉ và khu nhà ăn khang trang, rộng rãi dành cho 200 người.
Sau khi thấy Xuân Hòa đầu tư thành công, một số doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh du lịch tại bãi đá lộ đầu Cúc Phương. Nơi đây bây giờ trở thành tổ hợp du lịch thu hút lượng khách du lịch lớn trong và ngoài nước đến với huyện Nho Quan.
P.V: Vì sao ông coi việc kinh doanh như "món nợ ân tình" ông phải trả cho quê hương?
Ông Bùi Xuân Cộng: Tôi là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở Thạch Bình - một xã miền núi của huyện Nho Quan. Cha mất sớm, tôi phải đi cắt cỏ, chăn bò thuê...làm đủ mọi việc để cùng mẹ nuôi các em. Hơn ai hết tôi thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn, vất vả của người nghèo, người không may mắn.
Với tâm nguyện đó, hàng năm, doanh nghiệp đều dành kinh phí để tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo như ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Ngoài ra doanh nghiệp Xuân Hòa còn tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình nghèo trong thôn, tặng quà các cháu học sinh nghèo hiếu học nhân dịp đầu năm học, trung thu, tết thiếu nhi...
Đến nay doanh nghiệp đã trợ giúp xây nhà tình nghĩa cho 2 hộ gia đình và ủng hộ vật liệu xây dựng cho hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp dành khoảng 200 triệu đồng cho công tác xã hội...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hỗ trợ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp đã kết nghĩa với 2 xã Thạch Bình và Phú Sơn, ủng hỗ mỗi xã một nhà văn hóa thôn với trị giá 500 triệu đồng.
Mặc dù số tiền chúng tôi dành để làm công tác xã hội không lớn, nhưng với một doanh nghiệp nhỏ tôi chỉ mong đóng góp một chút công sức của mình để trả "món nợ ân tình" với quê hương.
P.V: Ông nghĩ thế nào về trách nhiệm xã hội của doanh nhân?
Ông Bùi Xuân Cộng: Cũng như các doanh nhân khác, mục tiêu kinh doanh của tôi là lợi nhuận. Tuy nhiên, việc sử dụng lợi nhuận đó như thế nào để tạo ra một nền tảng lợi ích khác thì tùy thuộc vào mỗi doanh nhân. Tôi may mắn gặp được nhiều người, nhiều bạn bè thương quý, không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn "chỉ đường" cho đi.
Với bản tính cần cù và ý chí luôn muốn khẳng định mình, tôi đã biết tận dụng sự ủng hộ của bạn bè, của người thân để làm việc tốt hơn. Cuộc sống cho tôi bài học là có nhận thì phải cho đi. Tôi nhận được nhiều nên phải cho đi để gieo mầm tương lai.
Hơn 30 năm làm kinh doanh tôi chưa bao giờ nghĩ đến làm từ thiện xã hội để đánh bóng tên tuổi hay dựa vào việc này để quảng bá cho doanh nghiệp. Bởi đơn giản tôi nghĩ làm việc nghĩa là chuyện riêng tư của mỗi người nhưng làm việc nghĩa với doanh nhân là trách nhiệm đôi khi còn là áp lực do chính bản thân mình đặt ra. Tôi xem doanh nghiệp như cái cây, quê hương như đất. Cây muốn lớn lên xanh tốt thì phải nhờ đất tốt.
Chính vì thế mình kinh doanh nhưng phải biết trách nhiệm xã hội của mình tại nơi đã nuôi dưỡng mình, đừng để xã hội thất vọng hoặc đánh mất lòng tin vào doanh nhân. Để tiếp tục thấy rằng những hoạt động của mình được nhìn nhận là đúng thì mình càng phải cố gắng mạnh hơn nữa. Lại càng có trách nhiệm hơn nữa với xã hội.
P.V: Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" người ta nghĩ đến thú vui điền viên còn ông tại sao vẫn say sưa với công việc kinh doanh?
Ông Bùi Xuân Cộng: Nhiều người hỏi tôi sao không nghỉ để con cháu làm? Nhưng tôi thấy mình còn khỏe, còn đam mê với công việc.
Trách nhiệm xã hội của doanh nhân không chỉ ở việc làm từ thiện mà phải biết chia sẻ những kinh nghiệm làm kinh tế, dẫn dắt thế hệ trẻ, mong muốn có một thế hệ doanh nhân hiện đại, đa năng để xây dựng một xã hội phồn thịnh hơn.
Chính vì thế các con tôi cũng đều theo nghiệp kinh doanh và tôi giao cho mỗi người con một phần công việc cụ thể. Tôi đóng vai trò là người nhạc trưởng để định hướng, hỗ trợ các con trong công việc kinh doanh.
Mặc dù trong thời kỳ hiện tại các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau nên Xuân Hòa cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trên thương trường, tôi luôn tìm ra hướng đi phù hợp với tình hình kinh tế trong nước.
Trong năm 2014, doanh nghiệp Xuân Hòa đã vươn xa, hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt đã hợp tác và tham gia xây dựng tuyến đường Xiêm Đa từ thủ đô Viêng Chăn (Lào) ra của khẩu biên giới Thái Lan với giá trị gần 10 triệu đô la, đến nay đã cơ bản hoàn thành và đang chờ ngày bàn giao.
Hiện nhà đầu tư đang mời chúng tôi dự thầu một số công trình xây dựng tại Lào nhưng do điều kiện đi lại khó khăn nên doanh nghiệp đang cân nhắc sao cho hiệu quả cao nhất.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)