Trung Thu của người lớn?
Bước sang tháng 8 âm lịch, không khí Trung thu dường như đã lan tỏa trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm. Vào tầm này, người dân nhiều nơi cũng đang bắt đầu lên kế hoạch tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Bác Đoàn Thị Ngọc V. ở xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) chia sẻ: Bốn năm nay, cứ đến dịp Tết Trung thu là một số hộ gia đình trong khu vực lại đóng góp tiền để làm trại động viên tinh thần các cháu nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành tổ chức ăn uống trên tinh thần tự nguyện, nhà nào ăn thì đóng góp theo suất. Số lượng người dân tham gia cứ tăng dần và ngày càng đông. Dự kiến năm nay chúng tôi sẽ làm hơn chục mâm cỗ.
Trước thực trạng hàng loạt các xóm, phố nhiều năm chìm trong việc ăn uống linh đình dịp Trung thu, có nơi ăn 3 bữa, ông Hoàng Văn Bảo, trưởng xóm 3C ( Khánh Nhạc, Yên Khánh) cho biết : Việc tổ chức cỗ bàn ăn uống linh đình trong dịp Trung thu là hoạt động tự phát của một bộ phận người dân. Đây không phải là hành vi sai trái nên chính quyền rất khó can thiệp. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng tuyên truyền để nhân dân nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của Tết Trung thu là hướng về đối tượng thiếu niên, nhi đồng, tránh việc vui chơi quá đà làm mất trật tự an ninh khu vực thôn xóm.
Theo quan sát vài năm gần đây, người dân nhiều nơi bỗng dưng mặc định Tết Trung Thu là cơ hội để làng trên xóm dưới có dịp tụ tập với nhau tại "bàn nhậu". Trẻ con háo hức đã đành, người lớn cũng mang tâm trạng hào hứng không kém. Trước kia, Trung Thu là khoảng trời được lấp đầy bởi những chiếc đèn ông sao sặc sỡ, những đêm trông trăng, phá cỗ xen lẫn tiếng trống ếch, tiếng cười giòn tan của con trẻ cùng những phần quà bằng bánh kẹo, hoa quả sản phẩm từ mỗi gia đình góp chung. Không phải ngẫu nhiên mà Tết Trung thu lại có ý nghĩa là "Tết của trẻ em", trở thành sự kiện được trông đợi nhất trong năm của mỗi em nhỏ.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại hơn nên Tết Trung thu cũng ngày một thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Việc tụ tập ăn uống thực chất không xấu, nếu đặt trong hoàn cảnh phù hợp hơn thì đây còn là cơ hội để củng cố tinh thần đoàn kết của những người "tối lửa tắt đèn có nhau". Tuy nhiên, có những khu phố tổ chức ăn uống dàn trải đến hai ngày gây ra sự tốn kém, lãng phí. Thay vì làm trại truyền thống cho thiếu nhi vui chơi, người ta căng phông bạt, bàn ghế để tiện cho việc "sắp mâm". Liệu trẻ con có thực sự cần những thứ ấy? Thiết nghĩ, người lớn nên chọn đúng thời điểm tổ chức ăn uống để không làm mất đi không khí Tết của các em.
Và những "biến tướng"
Có lẽ, hương vị đặc trưng không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu là những chiếc bánh thơm ngon, hấp dẫn. Ngày xưa, các bà các mẹ thường tự tay mua bột về làm bánh, thắp hương khấn tổ tiên rồi phát cho các em nhỏ. Những đêm trông trăng, mọi thành viên trong gia đình ngồi quây quần ăn bánh, uống trà và trò truyện vui vẻ đã trở thành nét đẹp bình dị từ bao đời. Thế nhưng cái Tết của vầng trăng và tuổi thơ giờ đây đang bị biến tướng. Bánh Trung thu vô tình trở thành món quà người lớn mang đi biếu, đi tặng để phục vụ cho những "mục đích" khác nhau.
Dạo một vòng quanh các khu phố lớn của Thành phố Ninh Bình sẽ dễ dàng bắt gặp các cửa hàng bán bánh Trung thu được bày trí đẹp đẽ và hút mắt. Chỉ cần người mua hỏi về những loại bánh đắt tiền, có thương hiệu là người bán lập tức tươi cười đáp ngay: "Chị mua biếu sếp phải không?" Câu hỏi tưởng như bình thường ấy lại nói lên một thực trạng đáng buồn mà chúng ta phải thừa nhận rằng: có lẽ món bánh Trung thu không chỉ dành tặng cho thiếu nhi mà người lớn cũng cần mua chúng để tặng… cho nhau !
Cùng với bánh Trung thu, múa lân cũng là món ăn tinh thần mang đậm văn hóa truyền thống không thể thiếu với trẻ em. ở các vùng quê cũng như thành phố, múa lân được thành lập trên tinh thần tự nguyện, làm nhiệm vụ khuấy động không khí, tăng sự náo nhiệt. Mỗi khi có đoàn múa lân đi qua, trẻ con lại thích thú reo hò và nhập hội, theo gót đoàn lân đi khắp các đường làng, ngõ xóm.
Ngày nay, múa lân biến tướng trở thành một hình thức kiếm tiền rất vô duyên khiến nhiều người bức xúc. Các đội lân vừa đi vừa "gióng trống mở cờ", náo loạn đường phố, gây cản trở giao thông. Nhà nào muốn đội lân nhanh chóng đi qua phải cho tiền họ. Như vậy từ mục đích tốt đẹp ban đầu, múa lân lại vô tình trở thành môi trường kinh doanh của một số người hám lợi. Thiết nghĩ, nên duy trì múa lân bằng lòng nhiệt huyết thì mới góp phần làm cho Tết Trung thu thêm rộn ràng và ý nghĩa hơn.
Xã hội ngày một phát triển, có những giá trị truyền thống tốt đẹp chúng ta vẫn cần bảo tồn và gìn giữ. Tết Trung thu chính là một giá trị như thế. Để trả lại nét đẹp của Trung thu truyền thống cho trẻ em, trước hết cần có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và từ chính các bậc ông bà cha mẹ. Thay vì tổ chức ăn nhậu hay biếu những hộp bánh Trung thu đắt tiền, người lớn nên dành thời gian để lắng nghe nhiều hơn về tâm tư, nguyện vọng của các em nhỏ. Hãy cùng các em dựng trại, chơi các trò chơi dân gian, làm đèn ông sao bằng đôi bàn tay khéo léo, để các em được tận hưởng quãng thời gian đáng nhớ của tuổi thơ khi đã đi qua những đêm trăng đầu đời đẹp nhất.
Bài, ảnh: Vân Anh