Dự cuộc họp thượng đỉnh này, bên cạnh Tổng thống Nicolas Sarkozy, có Thủ tướng François Fillon,Bộ trưởng các vấn đề xã hội Brice Hortefeux, Bộ trưởng Kinh tế Christine Lagarde, Bộ trưởng Ngân sách Eric Woerth, Quốc vụ khanh về Việc làm Laurent Wauquiez và Cao ủy về đoàn kết tích cực Martin Hirsch đặc trách về thanh niên.
Đại diện các tổ chức công đoàn lớn nhất ở Pháp như CGT, CFDT, FO, CGC, CFTC và ba tổ chức nghiệp đoàn giới chủ gồm CGPME, MEDEF, UPA đều có mặt.
Trong những ngày qua, những cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn nước Pháp khiến nhiều ngành nghề tê liệt. Giao thông công cộng ách tắc. Một không khí nặng nề bao trùm lên toàn xã hội.
Tổng thống Nicolas Sarkozy đánh giá: Nền kinh tế Pháp đang gặp nhiều khó tuy nhiên, ông vẫn lạc quan khi nhận xét tình hình kinh tế nhiều nước khác còn khó khăn hơn. Tổng thống Sarkozy cho rằng ưu tiên hàng đầu của ông trong lúc này là việc làm vì có việc làm đồng nghĩa với sức mua tăng.
Phát biểu của Tổng thống Sarkozy chú trọng tới bốn mục tiêu chính: Bảo vệ những nạn nhân của cuộc khủng hoảng (gồm những người bị thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời); chia sẻ tốt hơn những thu nhập hoặc lợi nhuận thu được; bảo vệ tầng lớp trung lưu và mở các cuộc đối thoại xã hội.
Để có được những kết quả trên phải có những biện pháp khẩn cấp như giảm thuế, tăng cường đào tạo, bồi thường thỏa đáng cho những trường hợp thất nghiệp tạm thời.
Tổng số tiền trợ cấp dành cho những trường hợp trên lên tới 2,6 tỷ Euro.
Phát biểu trên truyền hình buổi tối cùng ngày, Tổng thống Nicolas Sarkozy khẳng định: Nước Pháp có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay một cách nhanh hơn bằng cách không mắc phải những sai lầm của quá khứ!
Lãnh đạo các tổ chức công đoàn Pháp đã phản ứng tức thì biểu thị sự thất vọng đối với cuộc gặp.
Tổng thư ký CFDT François Chérèque đánh giá: Với người làm công ăn lương hiện nay, các giải pháp của chính phủ đưa ra là không đủ.
CFDT nhận định cần phải tiếp tục gây sức ép đối với chính phủ và các nghiệp đoàn giới chủ để có thể có những thay đổi thật sự.
Trong khi đó, Tổng thư ký FO Jean-Claude Mailly cho rằng: Cuộc gặp đưa ra quá ít những giải pháp thiết thực và còn nhiều điểm bị quên.
Để tiếp tục gây sức ép đối với chính phủ, các nhà lãnh đạo công đoàn sẽ thảo luận đánh giá những đề xuất được chính phủ đưa ra và bàn kế hoạch tiếp tục biểu tình vào ngày 19-3 tới như dự định.
Theo NDĐT