Dự buổi chất vấn trực tuyến tại đầu cầu Ninh Bình có các đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Trả lời câu hỏi về các giải pháp tổng thể để giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai, Tổng thanh tra Chính phủ Hùynh Phong Tranh cho biết, Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn và chỉ đạo các bộ, ngành và cử 25 tổ công tác về các địa phương để phối hợp rà soát, phân loại, lập danh sách các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách để giải quyết trên nguyên tắc kiên trì trách nhiệm, có lý, có tình, đúng pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân từng bước dứt điểm từng vụ việc.
Từ nay đến cuối năm 2012, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung rà soát, phân loại, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài để giảm bớt số vụ việc và hạn chế tình trạng căng thẳng, bức xúc, làm ổn định tình hình và yêu cầu chính đáng của người khiếu nại.
Về hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong 2 năm qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án tại 07 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm tập trung ở 5 nguyên nhân, đó là: Việc quản lý vốn tài sản Nhà nước có nhiều sơ sở yếu kém, gây lãng phí; Một số tập đoàn đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành vượt tỉ lệ cho phép, hiệu quả không cao, khả năng gây thoát vốn… Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động của các tập đoàn, trong đó nhấn mạnh việc cần làm rõ và tách bạch chức năng quản lý Nhà nước (các Bộ quản lý Nhà nước) và chức năng của đại diện chủ sở hữu Nhà nước (với tư cách là nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp) đi đôi với nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành của các tập đoàn. Liên quan đến vụ Vinalines và việc thuyên chuyển ông Dương Chí Dũng khi chưa hoàn thành việc thanh tra, Tổng thanh tra Hùynh Phong Tranh cho rằng, việc thanh tra là làm theo pháp luật còn công tác cán bộ thì không phải thẩm quyền Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thuyên chuyển cơ quan thuyên chuyển cũng không hỏi ý kiến nên Thanh tra Chính phủ không có quyền can thiệp khi cán bộ chưa bị phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Trả lời chất vấn về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay còn mang nặng tính hình thức, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, theo thống kê, cả nước có 100.000 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản theo luật. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản còn chưa đúng thực chất vì chưa nắm được việc kê khai nơi cư trú, công tác của cán bộ công chức. Để chấn chỉnh tình trạng này, trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ có bổ sung thêm quy định công khai nơi công tác và nơi cư trú của cán bộ, công chức, đồng thời mở rộng đối tượng thanh tra.
Đối với công tác phòng chống tham nhũng, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng; Tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ cơ chế "xin, cho", trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên khoán sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ…
Quốc Khang