Cùng dự có các đồng chí: Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong năm, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai QCDC, tập trung rà soát lại các văn bản thực hiện QCDC của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện QCDC trong doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy ước, hương ước trên toàn tỉnh. Qua đó, giúp việc thực hiện QCDC ở cơ sở được toàn diện, sâu sát, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Dân chủ được thực hiện trong nhiều khâu, nhiều hoạt động và trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân, giải quyết có hiệu quả nhiều bức xúc của quần chúng trong cuộc sống, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của địa phương.
Thực hiện Pháp lệnh số 34, các xã, phường, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản về QCDC; chỉ đạo xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước, tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia các nội dung người dân được biết, được bàn, được quyết định ở cơ sở, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều nơi đã xây dựng quy trình, quy chế trong công tác giải phóng mặt bằng; vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất… tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân, tiêu biểu như xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), xã Yên Thắng (huyện Yên Mô), xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư), xã Gia Phương (huyện Gia Viễn). Nhờ đó, trên toàn tỉnh nhân dân đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công trị giá trên 90,5 tỷ đồng cùng với ngân sách nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sạch…
Công tác cải cách hành chính cấp xã được nâng lên rõ rệt, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc niêm yết công khai các quy định, văn bản thủ tục hành chính ở nơi làm việc, nơi tiếp dân, trên loa truyền thanh; mô hình "một cửa" được duy trì tốt, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, giảm thời gian đi lại, tránh phiền hà cho nhân dân. 146/146 xã, phường, thị trấn đều triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo quy định của Pháp lệnh 34/2007 gắn với 19 tiêu trí xây dựng nông thôn mới và tiêu chí xây dựng đô thị văn minh.
Tại các cơ quan nhà nước, các cấp ủy, chính quyền tích cực đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, quan tâm khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội; cải cách hành chính; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Công tác cải cách hành chính được triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, đến nay toàn tỉnh đã công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia trên 4.000 trang văn bản và hơn 1.200 biểu mẫu, tờ khai, hướng dẫn của 623 thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính.
Trong năm, các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã tiếp 3.380 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 1.207 đơn thư, trong đó có 163 đơn thư khiếu nại, tố cáo, đã xem xét giải quyết 147/163 vụ việc, đạt tỷ lệ 90%. Việc thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp cũng có sự chuyển biến rõ rệt, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 58% công ty cổ phần, công ty TNHH đã tổ chức Hội nghị người lao động theo Nghị định 87/2000, 107/187 doanh nghiệp xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện công khai chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, định mức khoán, phân chia lợi nhuận, tiền thưởng, quỹ phúc lợi... giúp cho người lao động yên tâm, tin tưởng, gắn bó với doanh nghiệp.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, Ban chỉ đạo các cấp, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị và Kết luận số 65 của Ban Bí thư Trung ương. Củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thực hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho các thành viên theo hướng rõ người, rõ việc. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực hành dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện mất dân chủ, dân chủ hình thức hoặc lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật làm mất ổn định chính trị ở cơ sở…
Tại hội nghị các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc thực hiện QCDC trong xây dựng nông thôn mới; sửa đổi hương ước, quy ước; việc ký kết thỏa ước lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; hoạt động của các ban giám sát cộng đồng…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở trong năm qua. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2013, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện QCDC; nhân rộng các điển hình thực hiện QCDC trong xây dựng nông thôn mới, quan tâm tạo điều kiện hoạt động cho các Ban giám sát cộng đồng nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở tất cả các cấp; xây dựng, bổ sung quy chế phối hợp giữa HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện QCDC ở cơ sở; HĐND các cấp nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế làm việc, phát huy vai trò dân chủ đại diện của đại biểu HĐND; thực hiện tốt việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, phát huy tối đa quyền làm chủ, ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Quốc Khang-Thế Minh