Tổng kết công tác xây dựng NTM năm 2020 và xét duyệt huyện NTM, xã NTM kiểu mẫu
Thứ Tư, 30/12/2020, 05:36
Zalo
Ngày 30/12, Ban chỉ đạo Xây dựng Nông thôn mới tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới năm 2020 và xét duyệt huyện NTM, xã NTM kiểu mẫu.
Tổng kết công tác xây dựng NTM năm 2020 và xét duyệt huyện NTM, xã NTM kiểu mẫu
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh.
Cùng dự có đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh; các địa phương được xét duyệt NTM và NTM kiểu mẫu năm 2020.
Với những khó khăn, thách thức, song công tác xây dựng NTM ở tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể, huyện Yên Mô sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay đã có 16/16 xã công nhận đạt chuẩn NTM, có hai xã: Yên Từ và Yên Hòa đã công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó Khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn là 12 thôn, xóm.
Tại hội nghị, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh ghi nhận huyện Yên Mô đã hoàn thành quá trình thẩm tra. Ban chỉ đạo tỉnh bỏ phiếu xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM, dự kiến sẽ trình Trung ương xem xét thẩm định trong quý I/2021.
Đối với xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư - địa phương đăng ký bổ sung đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đến nay, đoàn công tác của tỉnh đã về thẩm định mức độ đạt các tiêu chí tại địa phương, đề nghị xã và huyện tiếp tục quan tâm, đôn đốc chỉ đạo việc thực hiện hoàn thiện các tiêu chí, củng cố nâng cao các tiêu chí bền vững hơn, đồng thời yêu cầu hoàn chỉnh thống nhất số liệu trong hồ sơ. Về cơ bản, Ninh Mỹ đã hoàn tất 14/14 tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu, xét công nhận đạt chuẩn trong năm 2020.
Còn đối với xã Phú Sơn, huyện Nho Quan đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM. Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã kiểm tra kết quả thực tế, kiểm tra hồ sơ, tài liệu, kết quả tự đánh giá của xã, kết quả thẩm tra của huyện, kết quả thẩm định, xác nhận mức độ đạt chuẩn NTM từ tiêu chí của các sở, ngành phụ trách. Tổ thẩm định đã nhất trí đánh giá xã Phú Sơn hoàn thành đạt chuẩn 19/20 tiêu chí, còn một tiêu chí số 19 (Quốc phòng và An ninh), đang được các cấp, ngành xem xét tạo điều kiện hoàn thiện.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh lưu ý: Các địa phương trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu hoặc nâng cao cần quan tâm thực hiện các giải pháp giữ vững và nâng cao các tiêu chí một cách bền vững, mang tính đặc thù của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, quan trọng là người dân hài lòng, đồng thuận cao.
Các thành viên Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh đã đóng góp ý kiến và tiến hành bỏ phiếu 100% tán thành công nhận kết quả.
Cũng tại hội nghị, Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh tổ chức tổng kết công tác xây dựng NTM năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 3 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn) đạt chuẩn NTM, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Năm 2020, toàn tỉnh có 7 xã được thẩm định, công nhận đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch 01 xã, vượt 16,6%), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 106/116 xã; Có 6 xã được thẩm định, công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt kế hoạch 01 xã, vượt 20%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn tỉnh lên 9 xã.
Bình quân toàn tỉnh đạt 18,7 tiêu chí/xã; Có 70 thôn (xóm) được UBND cấp huyện thẩm định, công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn (xóm) đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu toàn tỉnh lên 102 thôn, xóm.
Có 12 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 47,48 triệu đồng/người/năm, tăng 9,4% so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,97%.
Hệ thống kế cấu hạ tầng nông thôn: trụ sở xã, đường giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa... được quan tâm đầu tư xây mới và sửa chữa nâng cấp đảm bảo đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, dân sinh, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí nông thôn mới.
Trong năm 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 21.177 tấn xi măng, làm được 729 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 142 km; Toàn tỉnh huy động được 8.880 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách chiếm 14%, vốn tín dụng chiếm 75%, vốn cộng đồng dân cư chiếm 10%, vốn doanh nghiệp chiếm 1%.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo quyết liệt, triển khai Chương trình một cách toàn diện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" có sức lan tỏa, rộng khắp. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch nhanh chóng, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN cao, công nghệ sạch tiếp tục được nhân rộng. Đời sống văn hóa, thu nhập của người dân được nâng cao đáng kể; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh, quốc phòng được củng cố, tăng cường.
Về nhiệm vụ năm 2021, đồng chí đề nghị: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM; Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Song hành với chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các xã, huyện chưa đạt chuẩn, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các xã đã đạt chuẩn.
Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân; đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao;
Triển khai có hiệu quả Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) mang tính đặc trưng, lợi thế của các địa phương xây dựng thương hiệu, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa ở nông thôn. Quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao của địa phương đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần người dân. Tập trung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nông thôn, nhất là các khu vực làng nghề, khu dân cư tập trung.