Dự hội nghị có các đồng chí: Hùynh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự hội nghị và giới thiệu một số nét khái quát về điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Trong đó nêu bật: Những năm qua, Ninh Bình đã phát huy tốt lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế, liên tục đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 1.500 USD...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ninh Bình cũng gặp một số khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, do vậy việc giải quyết những phát sinh liên quan đến kiến nghị, đề xuất, khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm.
Thực hiện Thông báo Kết luận số 130 của Bộ chính trị về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, đồng thời phối hợp có hiệu quả với các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ trong việc thống nhất giải pháp để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng có đông người tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện để Ninh Bình phát triển toàn diện.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Báo cáo tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tốt cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có những diễn biến phức tạp.
Số lượng đơn thư, vụ việc phát sinh còn nhiều, tập trung chủ yếu ở những địa bàn có nhiều dự án, công trình và khu vực thành thị, nổi cộm là các vụ việc khiếu kiện đông người liên quan đến thực hiện đền bù, hỗ trợ, thực hiện chính sách tái định cư khi nhà nước thu hồi đất làm dự án.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, các địa phương đã tiếp 36.543 lượt công dân, 600 đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo với 3.535 vụ việc khiếu nại, 1.511 vụ việc tố cáo, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2012.
Thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ đã giao Cục I thành lập 6 Tổ công tác phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát 146 vụ việc tại 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, thực hiện các bước để giải quyết xong 136 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,15%.
Trong đó đã thực hiện đầy đủ quy trình (tiến hành đối thoại, họp bàn thống nhất, ra quyết định giải quyết…) và ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, xem xét giải quyết 104 vụ, chiếm tỷ lệ 76,4%; đang hoàn thiện thủ tục để ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, xem xét giải quyết 25 vụ việc, chiếm tỷ lệ 18,38%; 7 vụ công dân khởi kiện ra Tòa án sau khi được giải thích, hướng dẫn theo quy định pháp luật, chiếm tỷ lệ 5,14%.
Hiện nay, còn 7 vụ việc các địa phương giải quyết và đã có báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, 3 vụ việc địa phương đang giải quyết theo thẩm quyền, đây là những vụ việc rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách, cần phải có thời gian nghiên cứu đầy đủ và có sự thống nhất cao giữa các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc sơ kết 5 năm thực hiện thông báo Kết luận số 130 -TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị.
Tiến hành công bố trên các phương tiện thông tin, đại chúng kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời triển khai thực hiện phương án giải quyết đã thống nhất.
Chủ động kiểm tra, rà soát, xem xét, phối hợp lực lượng và đề ra các biện pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, bức xúc kéo dài khác và các vụ việc mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc đông người, phức tạp, vượt cấp.
Các đại biểu dự hội nghị cũng đã tập trung thảo luận làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng quy chế phối hợp xử lý với các vụ việc khiếu kiện vượt cấp; đề xuất Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kinh nghiệm trong công tác đối thoại với người dân ở cơ sở; việc thay đổi mẫu văn bản trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hùynh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc và các Bộ, ngành Trung ương.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, đồng chí đề nghị hệ thống thanh tra các cấp cần tập trung thực hiện tốt Đề án tiếp công dân, bố trí người có năng lực, hiểu biết pháp luật làm công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại với công dân để giáo dục, thuyết phục, giải thích, hướng dẫn pháp luật giúp người dân hiểu rõ và chấp hành đúng pháp luật.
Sớm ban hành thông báo chấm dứt đối với những vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý, chấm dứt giải quyết khiếu nại hành chính. Đối với những vụ việc chưa đối thoại với công dân sau khi đã ký biên bản thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương thì cần phân loại theo từng nhóm và xác định lại những vụ việc cần phải tiếp tục đối thoại để tổ chức đối thoại nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho thanh tra các tỉnh, thành phố về việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài…
Cũng tại hội nghị, Tổng thanh tra Chính phủ đã tặng bằng khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Quốc Khang