Tham dự tại đầu cầu Ninh Bình có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Văn phòng UBND, Hội Nông dân tỉnh, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình; đại diện UBND các huyện, thành phố.
Báo cáo tại hội nghị cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 50 về Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là QĐ50), Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành kế hoạch triển khai trong phạm vi toàn ngành, các địa phương cũng đã có những chính sách riêng hoặc lồng ghép với các chính sách khác để thực hiện.
Kết quả, tổng kinh phí mà các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng. Bao gồm: hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn; phối tinh giống nhân tạo cho trâu, bò; mua con giống gia súc, gia cầm; xử lý chất thải, đệm lót sinh học; đào tạo dẫn tinh viên…
Nhìn chung, tuy nguồn kinh phí không lớn nhưng Chính sách đã đem lại những hiệu quả rõ rệt, tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu hộ chăn nuôi nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định sinh kế cho người dân. Giúp cải tạo và nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn, trâu, bò; giúp tăng thu nhập của hộ chăn nuôi từ 5-10%; làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi diện mạo nông thôn, cải tạo môi trường chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả. Từng bước chuyển đổi sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm.
Tại Ninh Bình, trong 4 năm từ 2015 đến 2018, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ tổng cộng 54.000 liều tinh lợn ngoại để phối giống nhân tạo, cải tạo đàn lợn. Ngoài ra, bằng cách lồng ghép với các chương trình, dự án khác, tỉnh cũng thực hiện một số nội dung hỗ trợ khác như: con giống, xây dựng công trình xử lý chất thải…
Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ. Đồng thời nêu lên một số khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai như: thiếu nguốn vốn, một số thủ tục, hồ sơ hỗ trợ còn phức tạp, không thuận lợi khi áp dụng, các quy định được hưởng hỗ trợ còn chưa hợp lý. Công tác hỗ trợ tinh lợn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh…
Để nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thiểu tổn thương đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia hội nhập toàn diện với các nước trong khu vực và thế giới, các ý kiến đều thống nhất đề nghị Nhà nước tiếp tục có chính sách để hỗ trợ chăn nuôi giai đoạn 2021-2025.
Ngoài các nội dung đã hỗ trợ trước đây, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nội dung mới như: hỗ trợ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, công tác dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ phát triển sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu đô thị hay công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm một vai trò rất quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thứ trưởng yêu cầu trên cơ sở báo cáo tham luận của các địa phương, các nhà khoa học, các hiệp hội ngành hàng, Cục chăn nuôi cần tổng hợp, sớm đề xuất, xây dựng văn bản trình Chính phủ về việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ với chăn nuôi, tạo nguồn lực cho ngành chăn nuôi phát triển, góp phần thực hiện chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021-2030.
Hà Phương- Hoàng Hiệp