Ở đầu cầu Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện của Ủy ban dân tộc, MTTQ, Bộ công an và bộ, ngành có liên quan dự. Tại đầu cầu Ninh Bình, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo Công an tỉnh, MTTQ, Ban tôn giáo và dân tộc tỉnh, lãnh đạo huyện Nho Quan, TX Tam Điệp, một số người dân tộc có uy tín trong địa bàn tỉnh đến dự. Báo cáo của Ủy ban dân tộc cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 các địa phương trong cả nước đã tổ chức rà soát, lập danh sách, phân công quản lý, phân cấp vận động được gần 30.000 người có uy tín thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là lực lượng tin cậy trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh trật tự dân tộc.
Họ cũng là lực lượng đóng góp tích cực vào phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đảng, Chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở nơi đó…
Tuy nhiên, nhận thức và cách làm của một số cấp ủy, chính quyền còn chưa đầy đủ và thống nhất; nội dung hình thức vận động còn chưa linh hoạt và thiết thực; việc phát hiện bồi dưỡng vận động người có uy tín trong các tôn giáo còn hạn chế...
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến tham luận triển khai thực hiện Chỉ thị các tỉnh thành và các ngành: Bộ đội biên phòng, Công an, tỉnh Quảng Ninh, Gia Lai, Đắc lắc, Thanh Hóa, Cần Thơ, Kiên Giang, Lai Châu, Sóc Trăng, Lào Cai và một số người có uy tín ở các địa phương trên.
Tỉnh Ninh Bình có 62 xã miền núi, 9 dân tộc thiểu số ( Mường, Tày, Thái, Hoa, Nùng...) với khoảng 23.000 người, trong đó dân tộc Mường chiếm tới 97%. Đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở huyện Nho Quan (8 xã) và TX Tam Điệp (1 xã).
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, hàng năm Ninh Bình đều tổ chức rà soát, phát hiện , lập danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và phân công, phân cấp cho các ngành, các cấp theo chức năng để vận động và phát huy vai trò của họ.
Đến nay toàn tỉnh đã có 177 người có uy tín, bao gồm: là cán bộ hưu trí 45 người, chiếm 25,4%; là chức sắc, chức việc trong các tôn giáo 5 người, chiếm 2,8%; là trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ 45 người, chiếm 25,4%; là nhà giáo, người làm nghề chữa bệnh và các thành phần khác ở vùng dân tộc thiểu số 82 người, chiếm 46,4%.
Họ là những người luôn gương mẫu, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện của nhân dân trong vùng.
Thực hiện Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2012 UBND tỉnh đã phê duyệt cho 57 người; năm 2013 phê duyệt cho 63 người, trong đó Nho Quan 62 người, TX Tam Điệp 1 người.
Phát biếu ý kiến kết luận, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được và cho rằng đó là sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành, các địa phương; điều đó cũng cho thấy Chỉ thị 06 đã đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Có nhiều ý kiến tham luận nêu ra được những bài học quý, kinh nghiệm hay trong việc vận động, phát huy vai trò của người uy tín để việc phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh chính trị...
Song việc thực hiện Chỉ thị vẫn còn những bất cập như: nhận thức của các cấp, các ngành về người có uy tín; việc vận động và phát huy vai trò của họ trong cộng đồng người dân tộc; chế độ, chính sách đối với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín; nâng cao nhận thức về người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của họ trong các lĩnh vực.
Cũng tại hội nghị này, Chính phủ, Ủy ban dân tộc, MTTQ, Bộ Công an, Bộ đội biên phòng đã tặng nhiều bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích trong việc triển khai và thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Đinh Chúc