Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh; thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc.
Hội nghị đã nghe đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 15. Trong đó nêu rõ: hoạt động nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương và lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 15 năm thực hiện Chỉ thị. Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương, địa phương, đơn vị được nâng lên rõ rệt.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Số lượng các đơn vị xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng tăng lên. Tính đến hết tháng 5/2018, Lịch sử đảng bộ tỉnh đã biên soạn, xuất bản đến năm 2000, 100% huyện, thành phố hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ…
Các công trình có nhiều tiến bộ về chất lượng; đảm bảo được tính Đảng, tính khách quan và khoa học; thống nhất nội dung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh; trở thành những tài liệu quan trọng để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trực tiếp quán triệt các nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW. Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quán triệt nội dung Chỉ thị 23-CT/TƯ.
Nhân dịp này, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp lịch sử Đảng cho 4 đồng chí đã có nhiều thành tích cống hiến trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng CSVN. Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 15.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15, công tác lịch sử Đảng của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Để công tác lịch sử Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực hơn và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20, đồng chí đề nghị: Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các tổ chức đảng trong tỉnh quán triệt sâu sắc các nội dung, quan điểm cơ bản của Chỉ thị số 20.
Tăng cường nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; coi đây là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
Thường trực cấp ủy chịu trách nhiệm toàn diện về công tác lịch sử Đảng; ban tuyên giáo các cấp là cơ quan tham mưu chính, chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này ở địa phương.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng công tác lịch sử đảng ở địa phương, đơn vị mình; trên cơ sở đó, lựa chọn những nội dung nhiệm vụ cụ thể và phù hợp; đảm bảo các điều kiện để thực hiện. Trong đó tập trung hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đối với những đơn vị chưa viết; phấn đấu, đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn có lịch sử đảng bộ. Nghiên cứu biên soạn bổ sung lịch sử đảng bộ địa phương, ít nhất là đến năm 2015.
Quan tâm, làm tốt công tác tư liệu, tiến tới "điện tử hóa" tư liệu lịch sử. Đa dạng hóa các loại hình ấn phẩm, công trình lịch sử; nâng cao hàm lượng khoa học của ấn phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử với những hình thức đa dạng, phong phú; để lịch sử nói chung, lịch sử Đảng nói riêng thực sự hấp dẫn và thấm vào cuộc sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách tự nhiên. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thông tri để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 có hiệu quả, thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả, đầy đủ các nội dung về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chỉ thị. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, thiết thực, nhằm triển khai các nội dung của Chỉ thị phù hợp với đặc điểm, điều kiện; bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, tạo sự chuyển biến, tiến bộ rõ nét ngay từ cơ sở.
Việc học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23 phải được hoàn thành trong quý III năm 2018. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ về những giá trị, nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những nội dung được Ðảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, góp phần đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy lý luận chính trị theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, "học đi đôi với hành". Đồng thời, tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên lý luận chính trị có bản lĩnh chính trị và kiến thức chuyên môn vững vàng, am hiểu sâu sắc thực tiễn sinh động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, tham mưu xây dựng Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 23; phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các cơ quan được phân công nhiệm vụ chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện; đảm bảo Chỉ thị và Kế hoạch được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Đào Duy-Thế Minh