Góp phần nâng tầm giá trị của áo dài
Chị Nguyễn Thị Giang, chủ của 3 cơ sở may áo dài Mỹ Giang có địa chỉ tại thành phố Ninh Bình và thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) là một người rất yêu áo dài. 28 năm qua, con đường đến với nghề thiết kế, may đo áo dài của chị không trải hoa hồng. Trên con đường đó có biết bao mơ ước, đam mê và sáng tạo, có biết bao niềm vui, nỗi buồn.
Chị Mỹ Giang kể: Tôi thích nghề may từ khi còn nhỏ. Tôi luôn mơ ước lớn lên mình sẽ đi học may, may những chiếc áo dài làm đẹp cho mình và cho mọi người. Rồi tôi đi học cắt may áo dài một năm ở Sài Gòn. Ra nghề, tôi mở hiệu may ở thị trấn Phát Diệm.
Với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, tay nghề của tôi ngày một vững, khách hàng biết đến nhiều hơn. Ước mơ trở thành nhà thiết kế áo dài nổi tiếng của tôi luôn cháy bỏng. Để thực hiện ước mơ này, tôi luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của ông xã và những người thợ may tận tâm, lành nghề.
Khi đã xây dựng được thương hiệu may áo dài ở thị trấn Phát Diệm, chị Mỹ Giang thử sức mở một cửa hàng ở Hà Nội để vừa nghiên cứu, học hỏi phong cách thiết kế áo dài từ những nhà thiết kế có tên tuổi, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng ở Thủ đô. Đó là một sự trải nghiệm rất hữu ích của chị.
Sau vài năm triển khai tại Hà Nội, chị Mỹ Giang quyết định trở về thành phố Ninh Bình mở cửa hàng, tập trung phát triển thương hiệu áo dài Mỹ Giang tại quê nhà. Chị đã mang phong cách thiết kế áo dài của Thủ đô về Ninh Bình với mong muốn nâng tầm giá trị, phong cách của tà áo dài do mình thiết kế.
Hiện nay, chị có sự trợ giúp của chồng và hai con trai trong việc quản lý 3 cơ sở may áo dài. Chị cũng rất tự hào vì hai người con trai đang nối nghiệp mẹ. Với sự tư vấn nhẹ nhàng, tinh tế của chị Mỹ Giang, nhiều khách hàng 39 "Thiết tha trong chiếc áo dài/Em như nhành liễu mảnh mai soi mình". Câu thơ gợi nhắc đến vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của người phụ nữ trong tà áo dài, nhẹ nhàng, thư thái thả dáng trong tiết trời mùa thu hay nắng xuân…
Trong tà áo dài, vẻ đẹp của người phụ nữ được tôn vinh và tỏa sáng theo một cách rất riêng. Và những nhà thiết kế áo dài cũng được ví như những người nghệ sỹ - luôn đam mê, bay bổng và sáng tạo để làm đẹp cho cuộc đời. rất hài lòng khi được chị thiết kế, may những bộ áo dài phù hợp với dáng vóc, gu thẩm mỹ của mình. Nhiều khách hàng tìm đến chị bởi họ ưng từ phom dáng áo, đường may đến chất liệu, họa tiết, kiểu cách…
Chị Trần Thanh Hoa ở thành phố Ninh Bình là một khách hàng lâu năm của cơ sở may áo dài Mỹ Giang. "Tôi rất yêu thích các mẫu thiết kế áo dài của chị Mỹ Giang. Tôi có một bộ sưu tập áo dài để diện trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi, đi chơi… Ở lứa tuổi trung niên như tôi, tôi chọn may những bộ áo dài có các chi tiết thêu hoa tinh tế, tone màu nền nã, chất liệu lụa tơ tằm, satin nhằm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ"- Chị Hoa cho biết. Với thâm niên trong nghề, theo chị Mỹ Giang, để có được sản phẩm đẹp phục vụ khách hàng, từ người thiết kế đến người thợ may áo dài phải có sự kết hợp ăn ý.
Đối với những khách hàng kỹ tính, đòi hỏi yêu cầu thiết kế sản phẩm áo dài mang tính thẩm mỹ cao, sự sang trọng, đài các, chị Mỹ Giang dành thời gian sưu tầm các mẫu thiết kế của Sài Gòn, Hà Nội hoặc hợp tác, lên ý tưởng thiết kế hoa văn, họa tiết trên các chất liệu vải với các nghệ nhân làm hàng thêu, từ đó chị có những bộ áo dài mang họa tiết, hoa văn đặc sắc…
Những bộ áo dài được thiết kế chuẩn phom dáng, họa tiết thêu tay độc đáo, kỳ công đã mang lại sự sang trọng, quý phái cho người mặc. Trăn trở lớn nhất của chị Mỹ Giang là hiện nay nghề may ít người học nên việc tuyển thợ rất khó. Chị luôn mong muốn có nhiều bạn trẻ yêu thích nghề may, đặc biệt là nghề may áo dài để góp phần giữ gìn nghề truyền thống.
Luôn tìm tòi, sáng tạo
Dù mới hơn 7 năm theo nghề may áo dài, nhưng với Phạm Hương - chủ cửa hàng may áo dài Mai Hương ở phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cũng có lượng khách rất đông, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà còn có khách hàng ở tỉnh ngoài cũng tìm đến may đo, thuê áo dài. Tuổi nghề tuy trẻ, nhưng với Phạm Hương, nghề may áo dài rất có duyên với mình, càng làm càng yêu thích, càng đam mê. Từ một người thợ học việc trong cơ sở may của người chị, Hương đã theo học các lớp may áo dài trên Hà Nội.
Có kỹ thuật, có năng khiếu và kinh nghiệm, Hương đã tự tin mở cửa hàng may áo dài, xây dựng thương hiệu riêng. "Với tôi, mỗi bộ áo dài may cho khách, tôi coi đó như một tác phẩm nghệ thuật, mang vẻ đẹp riêng. Ở đó có sự kết tinh của sự tìm tòi, sáng tạo, sự bay bổng của người thiết kế, sự lành nghề của người thợ may.
Đặc biệt là không có sự rập khuôn, máy móc trong các mẫu thiết kế. Tôi rất vui và có động lực hơn khi khách hàng có được vẻ tự tin, yêu kiều khi mặc các bộ áo dài do mình thiết kế"- Phạm Hương chia sẻ. May áo dài là nghề truyền thống, Phạm Hương luôn tâm niệm phải giữ lấy nghề.
Để làm ra một sản phẩm đẹp, có hồn, người may áo dài phải luôn có sự kiên trì, tỉ mỉ, tâm huyết và sáng tạo. Ngoài ra phải thường xuyên học hỏi, nghiên cứu mẫu mã mới để phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và thị hiếu của khách hàng. Để những mẫu thiết kế áo dài vừa mang nét truyền thống dân tộc, vừa mang hơi hướng thời đại.
Đối với những bộ áo dài cách tân phù hợp với thị hiếu của giới trẻ, Phạm Hương chú trọng đến chất liệu, màu sắc trẻ trung và các phụ kiện đi kèm làm điểm nhấn như: Hoa cài, băng đô…, mang lại sự năng động, trẻ trung cho người mặc. Trong kỹ thuật cắt may, đường nét, dáng áo rất quan trọng, tạo đường eo, sự mềm mại, uyển chuyển của người mặc. Do đó, người thợ may luôn phải tỉ mỉ, cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ, độ sắc nét của đường may…
Chị Mỹ Giang, Phạm Hương là hai trong rất nhiều nhà thiết kế, may áo dài trên địa bàn tỉnh đang hàng ngày cần mẫn với công việc sáng tạo, làm đẹp cho đời. Với các chị, những khó khăn, thử thách của nghề thiết kế áo dài đã tạo nên những bước đột phá, tạo nên thành công của mỗi người. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng từng chia sẻ: "Áo dài đẹp, có sức hút bởi thể hiện tính cách của người phụ nữ, đẹp một cách kín đáo, dịu dàng, ý tứ, đạo đức. Đây là một trong số ít những trang phục truyền thống đáp ứng được yêu cầu của thời đại, lại duy trì được bản sắc dân tộc… Áo dài là biểu tượng văn hóa trang phục khi nhắc đến Việt Nam.
Vì vậy, việc giữ được hồn cốt, văn hóa dân tộc trong tà áo dài là trách nhiệm, là sứ mệnh của các nhà thiết kế, qua đó thể hiện tài năng, kiến thức, chuyên môn, cái tâm, cái tầm của nhà thiết kế".
Bài, ảnh: Vân Khôi