P.V: Xin đồng chí đánh giá khái quát những kết quả đạt được sau nhiều năm tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Xuất phát từ truyền thống đạo lý quý báu bao đời nay của dân tộc, nhận thức rõ vai trò của gia đình trong sự hình thành, phát triển của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của xã hội, của đất nước, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng gia đình phát triển bền vững để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Sau 18 năm triển khai thực hiện, đến nay, việc kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành truyền thống của nhiều gia đình. Đây là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân có dịp tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp và nhân văn của gia đình và cũng là dịp các thành viên trong gia đình thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính đối với ông bà, cha mẹ. Ngược lại, những người lớn tuổi trong gia đình thể hiện lòng nhân ái, mẫu mực, lắng nghe ý kiến, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của các thành viên trong gia đình. Tất cả những điều đó đã tạo nên một ngày hội của toàn xã hội - Ngày hội tri ân của mỗi gia đình Việt Nam.
Nhằm giữ gìn và phát huy vai trò của gia đình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển về mọi mặt, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai công tác gia đình, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm với nhiều hoạt động đa dạng như: Tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương gia đình tiêu biểu, hội thi gia đình, tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc, thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; giao lưu giữa các gia đình; tổ chức phát động hưởng ứng "bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6… Nhờ đó, công tác gia đình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh năm 2001 là 38,26%, năm 2010 là 81,9% và đến 2018 là 88,21%; cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" được phát động và triển khai rộng khắp; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi được quan tâm thực hiện; các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo được quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình; đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình được nâng lên; các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình được quan tâm và gìn giữ…
P.V: Năm vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đồng chí trong thời gian tới cần có những giải pháp cơ bản nào để có thể giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Trong những năm gần đây, thực trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm dần. Số vụ BLGĐ giảm từ 303 vụ vào năm 2009 xuống còn 159 vụ năm 2015 và năm 2018 còn 105 vụ, phổ biến vẫn là bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần. Những vụ bạo lực gia đình với tính chất nghiêm trọng phải xử lý hình sự cũng được hạn chế đến mức thấp nhất. Việc can thiệp, xử lý các vụ BLGĐ được kịp thời hơn, tránh được những mâu thuẫn, xô xát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, trong thời gian tới Ngành Văn hóa sẽ tập trung tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp cơ bản như: Làm tốt công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo lãnh đạo và tăng cường sự phối hợp giữa ngành và cấp, giữa ngành văn hóa với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; tập trung đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền và nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền làm cho mọi người nhận thức rõ tính cấp bách và thách thức về bạo lực gia đình để đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, để gia đình thực sự là cơ sở vững chắc trong việc xây dựng con người văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp trên với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, tình trạng BLGĐ địa bàn tỉnh sẽ giảm thiểu, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
P.V: Hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019, đồng chí cho biết các hoạt động mà Ngành Văn hóa và Thể thao đã và đang triển khai?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2019 với chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình" và Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề "Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội", ngành Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và địa phương tích cực hướng dẫn, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, tạo nên Ngày hội của gia đình và đợt hoạt động cao điểm phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể: Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, từ tuyên truyền trực quan tại trụ sở cơ quan, căng treo băng zon trên các tuyến phố, tuyên truyền trên các bảng điện tử tại các khu vực cửa ngõ thành phố Ninh Bình hay các khu đô thị đến tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các hoạt động, sự kiện được tổ chức tại cơ sở như: Tổ chức hội nghị, tọa đàm nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), tổ chức "Ngày hội gia đình hạnh phúc", gặp mặt gia đình tiêu biểu; tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi; biểu dương các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có hoạt động tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt Câu lạc bộ hoặc sinh hoạt chuyên đề của đoàn thể hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); tổ chức cuộc thi tranh, ảnh, sách hoặc chiếu phim chủ đề về xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình; tại nhiều gia đình sẽ có những bữa cơm, những buổi picnic dã ngoại quây quần, sum họp đầm ấm nhân Ngày gia đình Việt Nam; ...
Riêng đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì đây là dịp để mỗi cá nhân, gia đình và xã hội có những hành động thiết thực chung tay phòng, chống bạo lực gia đình thông qua việc làm cụ thể như: Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra tình hình thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát huy năng lực tham gia hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng