Người người thi đua…
Một trong những phong trào thi đua được đông đảo cán bộ, công nhân lao động các ngành, các cấp tham gia sôi nổi trong những năm qua là phong trào thi đua sản xuất, lao động sáng tạo. Từ phong trào này, đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần làm lợi cho Nhà nước, cho đơn vị hàng chục triệu đồng.
Với niềm đam mê, với sức sáng tạo và mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển vững mạnh đi lên của Công ty trong thời kỳ hội nhập, anh Nguyễn Văn Tuấn ở phân xưởng luyện thép, thuộc Công ty cổ phần Bê tông - Thép Ninh Bình, đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động để nâng cao năng suất, giảm bớt chi phí sản xuất. Đã nhiều năm anh Tuấn có những sáng kiến kỹ thuật có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Anh cho biết: Công tác tại phân xưởng luyện thép, thường xuyên phải đứng bên cạnh những khối thép nóng, những cầu trục lớn, anh luôn ấp ủ để có nhiều sáng kiến đảm bảo an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, tại Công ty nơi anh làm việc, trong thời điểm hiện tại, giá thành thiết bị sản xuất nhập vào khá đắt nên việc tận dụng những máy móc cũ là việc làm hết sức cần thiết, cấp bách, giúp Công ty có nguồn vốn dồi dào để quay vòng sản xuất. Với anh, tìm ra được những sáng kiến cải tiến kỹ thuật chính là niềm vui trong lao động, là động lực để anh không ngừng phấn đấu thi đua. Năm 2007, anh đã tiết kiệm cho Công ty hơn 10 triệu đồng bằng sáng kiến kỹ thuật phục hồi động cơ phanh thủy lực của các phanh cầu trục, không phải mua mới.
Ở Công ty cổ phần Bê tông - Thép Ninh Bình có rất nhiều người đam mê với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như anh Tuấn, nhiều người trong số họ đã từng gặp nguy hiểm khi nghiên cứu tính hiệu quả của các sáng kiến nhưng tất cả những vất vả, khó khăn không làm họ lùi bước. Niềm vui khi mỗi sáng kiến được áp dụng vào thực tế sản xuất là động lực giúp họ hăng say hơn, nhiệt tình hơn trong công việc, trong các phong trào thi đua.
Đối với gần 500 cán bộ, công nhân viên nơi đây, phong trào thi đua chính là động lực cho những sáng tạo, là vườn ươm cho những "bông hoa" đẹp góp phần vào bề dày thành tích của đơn vị. Các phong trào thi đua phát động nơi đây luôn gắn liền với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", vì thế có sức lan tỏa, thu hút rộng lớn, tạo tiền đề cho những bước phát triển mới.
Tuổi trẻ "sáng tạo trẻ"
Những năm gần đây phong trào "Sáng tạo trẻ" đã trở nên quen thuộc đối với đoàn viên, thanh niên. Với tinh thần "Xung kích, tình nguyện", đảm nhận những việc khó, việc mới, tiến công vào khoa học kỹ thuật, nhiều bạn trẻ đã say sưa nghiên cứu, tìm tòi, có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại địa phương, đơn vị, được các cấp, các ngành đánh giá cao.
Nguyễn Xuân Hiệu - Khoa Điện - Điện tự động hóa (Trường Cao đẳng nghề cơ điện - xây dựng Tam Điệp) là một trong những bông hoa đẹp của phong trào "Sáng tạo trẻ" với rất nhiều sáng kiến kỹ thuật trong 3 năm gần đây. Năm 2007, Xuân Hiệu có 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận là: Hệ thống tự động báo giờ ra chơi, vào lớp và Mô hình điều khiển hệ thống bơm nước 3 mức. Khi chúng tôi hỏi: - Hiệu tâm đắc với sáng kiến nào hơn? Anh cười và bảo: - Đã là sáng kiến của mình thì cái nào mà chẳng tâm huyết, có tâm huyết thì mới làm được, mới sáng tạo được. Ngập ngừng một lát, Hiệu nói tiếp: "Nhưng có lẽ là thiên về sáng kiến thứ 2 hơn mặc dù nó chưa được áp dụng vào thực tiễn".
Khi nghe Hiệu giải thích về sáng kiến này chúng tôi chỉ hiểu nôm na đó là một hệ thống bơm nước tự động khi nước dâng cao, giúp chúng ta có thể chủ động trong phòng, chống lụt bão. Về lý do nghiên cứu sáng kiến này, Hiệu cho biết, đã rất xúc động khi xem những hình ảnh, những bài báo phản ánh cuộc sống của người dân huyện Nho Quan, Gia Viễn trong cơn bão số 5 (năm 2007) vừa qua và muốn tìm ra được một giải pháp có thể chủ động khi nước dâng cao.
Hơn nữa, Ninh Bình là địa bàn thường xuyên có lũ lụt, nên sáng kiến này có tính thực thi cao, có khả năng áp dụng vào thực tế, giúp tự động hóa hệ thống bơm, cấp thoát nước của các nhà máy. Sáng kiến này còn có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy tại trường của Hiệu, rút ngắn 30% thời gian lên lớp. Khó khăn của Hiệu trong quá trình thực hiện sáng kiến là thiếu linh kiện, máy móc.
Mong muốn lớn nhất của Hiệu là đưa những sáng kiến kỹ thuật vào thực tiễn, phục vụ đời sống. Hiệu nói vui với chúng tôi rằng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong phong trào "Sáng tạo trẻ" giống như những nụ hoa cần thời gian, cần sự nuôi dưỡng để có thể nở thành những bông hoa đẹp.
Quỳnh Thu