Dự tọa đàm về phía đại biểu trung ương có các đồng chí: Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; các chuyên gia, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử đến từ Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Hội Khảo cổ học Việt Nam; Viện Khảo cổ học Việt Nam; Hội đồng Đinh tộc toàn quốc.
Đại biểu của tỉnh dự tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU; lãnh đạo UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh; đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đồng chủ trì cuộc tọa đàm.Phát biểu chào mừng buổi tọa đàm, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhiệt liệt chào mừng các chuyên gia cao cấp, các nhà khoa học đã về tham gia buổi tọa đàm.
Đồng chí mong muốn qua thông cuộc tọa đàm sẽ nghiên cứu, thu nhập, đánh giá đầy đủ, có căn cứ khoa học về vai trò của Đinh Tiên Hoàng với sự nghiệp thống nhất quốc gia thành lập nước Đại Cồ Việt, làm cơ sở xác nhận giá trị và tiếp tục tôn vinh xứng tầm những giá trị văn hóa lịch sử có giá trị nổi bật toàn cầu. Để từ đó đề xuất một ngày lễ quốc gia cho sự kiện lịch sử thành lập nước Đại Cồ Việt và nâng cấp lễ hội Trường Yên thành lễ hội cấp Nhà nước là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Những việc làm này vẫn đang và sẽ rất cần sự chung tay giúp đỡ của các chuyên gia cao cấp, các nhà khoa học. Những vấn đề được đề cập và phân tích tại buổi tọa đàm sẽ đem lại kết quả quan trọng và hữu ích.
Đề dẫn tại tọa đàm do đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày đã nhấn mạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam dưới thời cổ đại và trung đại có một số mốc son được đánh giá như là bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của quốc gia dân tộc đó là: Thời kỳ Hùng Vương dựng nước; Chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc; Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất quốc gia vào năm 968 và xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt. Do đó, tọa đàm nhằm đề xuất những kiến nghị và giải pháp khẳng định vai trò của Đinh Tiên Hàng đối với sự nghiệp thống nhất đất nước và việc nâng cấp lễ hội Trường Yên thành lễ hội cấp nhà nước.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử đã tập trung trao đổi, thảo luận đối với 3 nhóm vấn đề: Vai trò của Đinh Tiên Hoàng đối với sự nghiệp thống nhất quốc gia và xây dựng nước Đại Cồ Việt; Tầm quan trọng của lễ hội Trường Yên trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay; Vấn đề nâng cấp lễ hội Trường Yên thành lễ hội cấp Nhà nước và việc lựa chọn ngày làm lễ trọng- ngày lễ quốc gia kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc (lập nước Đại Cồ Việt).
Các ý kiến đã tập trung làm rõ về sự nghiệp thống nhất quốc gia, xây dựng Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam; đóng góp của nhà Đinh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội Trường Yên; việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Trường Yên, xác định những di sản văn hóa hữu thể và phi vật thể gắn liền với Đinh Tiên Hoàng đã góp phần khẳng định giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An vừa mới được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới…
Kết luận buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã khẳng định: Tiếp thu các ý kiến tham luận tại tọa đàm cho thấy sự thống nhất cao đối với các vấn đề đặt ra tại buổi tọa đàm, dù có sự khác biệt ở cách nhìn, góc nhìn của các nhà khoa học, nhưng tính phản biện sâu sắc đã góp phần đem lại mục đích mà buổi tọa đàm hướng tới, tạo sự đồng thuận cao trong việc nhấn mạnh 3 vấn đề quan trọng: Ý nghĩa lịch sử của sự kiện nhà Đinh thống nhất đất nước không phải là sự kiện lịch sử thông thường mà mang ý nghĩa rất trọng đại, xây dựng nền móng cho quốc gia đầu tiên sau hơn 1000 năm đất nước mất chủ quyền. Lần đầu tiên người đứng đầu Nhà nước xưng hoàng đế, khẳng định chủ quyền ngang tầm các quốc gia khác, nhất là đế chế phương Bắc, tạo dựng nền chính trị, văn hóa, kinh tế phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; Về giá trị của lễ hội truyền thống Trường Yên đã phản ánh đậm nét, sinh động một giá trị lịch sử quan trọng, giá trị lan tỏa, cộng hưởng về ý thức quốc gia, ý thức thống nhất đất nước cần được khơi dậy và phát huy trong thời đại ngày nay; Việc nâng tầm lễ hội truyền thống Trường Yên thành lễ hội cấp Nhà nước là hết sức quan trọng và cần thiết. Trong đó, cần đưa lễ hội trở về với cộng đồng, lễ hội có sức sống mãnh liệt trong dân, trong đó có sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương và địa phương. Về thời gian tổ chức lễ hội, các ý kiến đều tập trung lựa chọn ngày tổ chức lễ hội từ mùng 8- 10/3 âm lịch…
Phan Hiếu