Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm hoạt động các Ban của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ
Thứ Sáu, 22/04/2022, 04:14
Zalo
Chiều 22/4, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội nghị tọa đàm trao đổi kinh nghiệm hoạt động các Ban của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ với chủ đề về "Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh".
Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm hoạt động các Ban của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại diện Ban Công tác đại biểu Quốc hội; lãnh đạo các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND của 10 tỉnh, thành phố trong khu vực.
Theo số liệu tổng hợp từ HĐND các tỉnh: Trong năm 2021, bình quân HĐND các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) tiếp nhận từ 100 - 150 ý kiến, kiến nghị của cử tri trước bầu cử và trước các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh, thành phố. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết.
Theo đó, đã có 15-25% ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời hoặc giải quyết dứt điểm giữa 2 kỳ họp thường lệ. 20-35% ý kiến được triển khai giải quyết và có kế hoạch hoàn thành dứt điểm. 30-35% ý kiến do chưa có nguồn lực hoặc chưa có điều kiện giải quyết trong ngắn hạn, được xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết. 2-5% kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, do thẩm quyền thuộc các cơ quan Trung ương, hoặc chưa có văn bản quy định, hướng dẫn, chưa có nguồn lực đáp ứng; cá biệt có ý kiến chưa được quan tâm giải quyết.
Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, năm 2021, Thường trực HĐND các tỉnh ĐBSH đã tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước bầu cử và trước các kỳ họp thường lệ theo quy định. Thông qua hoạt động giám sát đã góp phần đảm bảo được cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Tại tọa đàm, với tinh thần thẳng thắn, chia sẻ, đại biểu đã tập trung làm rõ kết quả, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giám sát của các Ban HĐND. Những khó khăn trong tiếp cận với báo cáo và tiếp cận sâu với các kết quả giải quyết của các cấp, các ngành… Trong khi đó việc giám sát theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 vẫn còn một số vấn đề còn bất cập.
Xuất phát từ thực tế trên, các đại biểu đã đề xuất quy trình, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong thời gian tới.
Đại biểu Ban pháp chế HĐND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trong đó đề nghị tiếp tục tăng cường trách nhiệm của UBND tỉnh trong phân công, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan chuyên môn đối với việc xây dựng kế hoạch, lộ trình giúp UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri.
Nâng cao vai trò của các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong quá trình giám sát và xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Nhiều đại biểu cũng thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số điều trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 nhằm tạo thuận lợi cho công tác giám sát.
Trao đổi ý kiến tại tọa đàm, đại biểu đại diện Ban Công tác đại biểu Quốc hội cho rằng các ý kiến của các đại biểu hoàn toàn xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và rất bổ ích, thiết thực. Đồng thời tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của đại biểu để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Hà nhấn mạnh: Giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh là một nội dung rất quan trọng được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Hà phát biểu tại tọa đàm.
Việc tổ chức tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương. Đây cũng là cơ hội để các Ban nâng cao chất lượng tham mưu hoạt động trong công tác này, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, khẳng định vị thế là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Đồng chí cũng ghi nhận các ý kiến trao đổi, chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu về kinh nghiệm thực tiễn và những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc; qua đó, cho thấy có những nội dung cần được Ban Công tác đại biểu xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm trong thời gian tới.
Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình, đồng chí tiếp thu và giao Ban Pháp chế, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra vào sáng ngày 23/4.