Tọa đàm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay
Thứ Hai, 15/08/2022, 05:44
Zalo
Ngày 15/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm về "Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay".
Tọa đàm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay
Dự tọa đàm có đồng chí Bùi Mai Hoa, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp với quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề… đã đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động.
Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho các hoạt động phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được quan tâm, kinh phí đầu tư hàng năm tăng. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống của người lao động khu vực nông thôn.
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 171 nghìn lao động, đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới. Nguồn ngân sách Trung ương và của tỉnh hỗ trợ tổ chức được 573 lớp với trên 17 nghìn lao động nông thôn học nghề, trong đó có 31,5% người học nghề nông nghiệp, nắm bắt được khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để có năng suất và thu nhập cao hơn; có 68,5% người học nghề phi nông nghiệp (chủ yếu là các ngành nghề phụ trợ ô tô, dịch vụ du lịch và các nghề may, giầy da, điện tử, đan lát thủ công...) nhằm chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương.
Tỷ lệ lao động có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn đạt trên 80%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 đạt 66,5%.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tích cực thảo luận nhằm phân tích, đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được, đồng thời nhận diện rõ những mặt còn hạn chế, những thách thức mà công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp phải trong thời gian qua. Từ đó, kiến nghị, đề xuất những nhóm giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đào tạo nghề trong thời gian tới.
Cụ thể, các tham luận cũng tập trung vào một số nội dung chính như: Chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, những vướng mắc, bất cập trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong lĩnh vực du lịch; Công tác tư vấn dạy nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, lao động bị thu hồi đất, phụ nữ và thanh niên nông thôn; dạy nghề cho nông dân để chủ động tham gia chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất; dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống…
Đồng chí Bùi Mai Hoa, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu kết luận buổi tọa đàm.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Bùi Mai Hoa, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi của đại biểu tham dự buổi tọa đàm, các ý kiến đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng thông báo thêm một số kết quả nổi bật của tỉnh Ninh Bình trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp- nông dân- nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề vẫn còn những khó khăn vướng mắc như: Nhận thức về công tác đào tạo nghề ở một số nơi còn chưa đầy đủ, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nghề còn hạn chế, công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ở một số nơi còn chưa sát với thực tiễn, việc tiếp cận nguồn vốn vay của lao động sau khi được đào tạo nghề để đầu tư, mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn….
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đối với các đối tượng nông dân, phụ nữ, thanh niên xuất ngũ trở về địa phương, lao động bị thu hồi đất… đồng thời quan tâm đào tạo nghề phù hợp, tạo việc làm tại chỗ để nâng cao đời sống cho người lao động với phương châm "Ly nông nhưng không ly hương";
Gắn công tác dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; Làm tốt công tác dự báo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu về thị trường lao động, trong đó chú trọng đào tạo những nghề trong danh mục nghề trọng điểm của tỉnh;
Nâng cao năng lực cho lãnh đạo quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kịp thời, phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động này; Tăng cường gắn kết dạy nghề với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề với giải quyết việc làm, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp đối với đào tạo nghề;
Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành với các đoàn thể chính trị xã hội, giữa các địa phương, đơn vị với nhau để đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao…
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đại biểu để báo cáo, tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.