Hiệu quả từ thực tế
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như những bứt phá trong phát triển kinh tế ở huyện Yên Khánh, nhu cầu vay vốn sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình của người nông dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng ngày càng cao.
Chính vì thế, Hội Phụ nữ huyện đã nhanh chóng tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn giúp cho hội viên có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chị Phùng Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Khánh cho biết:
Hiện trên địa bàn huyện Yên Khánh có 119 tổ vay vốn với tổng dư nợ 45,1 tỷ đồng cho 1.596 lượt hộ vay phát triển kinh tế.
Để nguồn vốn vay thực sự hiệu quả, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, kỹ năng quản lý, sử dụng vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp hội viên nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.
Qua đó, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về "chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn" và thỏa thuận liên ngành số 15 của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, thành lập các tổ vay vốn ở cơ sở theo địa bàn dân cư giúp cho hội viên, phụ nữ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hoạt động cho vay hộ sản xuất qua Tổ vay vốn đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh lớn có tính chuyên nghiệp cao và sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại được hình thành, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông thôn.
Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 2/8 Hội phụ nữ cấp huyện phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh các huyện; 25/145 hội phụ nữ cấp xã đã ký hợp đồng với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn để tham gia thực hiện một số khâu của nghiệp vụ tín dụng.
Mô hình hoạt động của tổ vay vốn được thành lập theo địa bàn dân cư, số lượng thành viên tham gia tổ vay vốn bình quân dưới 30 thành viên/tổ; số tiền dư nợ bình quân đạt 1.296 triệu đồng/tổ vay vốn; bình quân 53 triệu đồng/hộ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 254 tổ vay vốn với 6.211 thành viên.
Dư nợ cho vay qua tổ vay vốn do Hội phụ nữ quản lý là 329,3 tỷ đồng, chiếm 5,3% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua chương trình phối hợp, 5 năm qua đã giúp cho trên 6.000 hộ gia đình được vay vốn, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 9.000 lao động có thu nhập ổn định, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Cần có cơ chế đặc thù
Hoạt động cho vay hộ sản xuất, kinh doanh qua tổ vay vốn đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Để giúp hội viên, phụ nữ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, 5 năm qua các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho 112.495 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Đồng thời xây dựng các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác do nữ làm chủ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đánh giá kết quả và phổ biến nhân ra diện rộng những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Qua đánh giá, các cấp hội cũng nhận thấy nhu cầu vay vốn của hội viên, phụ nữ rất cao. Chị Bùi Bích Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nho Quan cho biết: Từ thực tế chỉ đạo phong trào, nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, hội viên, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều hội viên, phụ nữ có nhu cầu và nguyện vọng được vay vốn phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đây là nguồn vốn vay tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn ở vùng khó khăn nên chúng tôi mong muốn có cơ chế đặc thù cho các hội viên trong việc thẩm định vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để hội viên tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất.
Có thể khẳng định rằng, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là Ngân hàng vào cuộc nhanh chóng và tích cực nhất triển khai mô hình tổ vay vốn.
Bởi ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký kết Nghị quyết về việc phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank đã có những bước đi bài bản.
Cùng với việc triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Agribank đã kịp thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn và được các chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt, triển khai cụ thể tại các địa phương.
Ông Bùi Văn Đạt, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhận xét: Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng "cò" tín dụng ở nông thôn.
Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh… Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như "cánh tay nối dài" của Agribank tới người dân.
Cùng với việc triển khai hiệu quả mô hình tổ vay vốn nhằm giúp khách hàng, nhất là người nông dân dễ thực hiện, tiếp cận vay vốn ngân hàng, Agribank Ninh Bình không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục, đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ liên kết…
Hiện nay, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank Ninh Bình đạt 6.213 tỷ đồng. Đạt được kết quả khả quan này có một phần đóng góp lớn của các tổ vay vốn thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh.
Bài, ảnh: Bảo Yến