Cách đây gần chục năm, nhiều hộ dân của Yên Bình đã mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng mô hình nuôi thủy sản trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả. Mô hình này càng phát triển và được nhân rộng vì các hộ nuôi làm ăn có hiệu quả cao, đặc biệt so với cây lúa cao hơn rất nhiều. Khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung của phường Yên Bình đã có diện tích gần 30 ha với trên 30 hộ tham gia nuôi.
Trước đây, các hộ dân ở đây làm theo cách truyền thống, chủ yếu sử dụng mặt nước ao để nuôi cá trắm, trôi, mè, rô phi,... nên giá trị không cao. Thị trường đầu ra không ổn định do các hộ "mạnh ai nấy làm" nên chưa có sự thống nhất ở mỗi vụ nuôi.
Vì chưa có tính tập thể nên loại giống và mùa vụ thả nuôi con giống do mỗi hộ tự quyết định, dẫn đến tình trạng dễ bị ô nhiễm môi trường nuôi do công tác lấy nước, thay tháo nước cho ao nuôi diễn ra không đồng loạt.
Theo đại diện Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Yên Bình, trước những hạn chế và cách nuôi manh mún của khu vực sản xuất tập trung, các hộ dân ở đây đã được các cấp, ngành liên quan tư vấn, tạo điều kiện tham quan mô hình thực tế và hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác.
Qua thực tế tham quan một số mô hình ở các tỉnh bạn cho thấy cái lợi nhất của việc thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản là tạo ra sự liên kết giữa các hộ dân với nhau.
Cụ thể các hộ nuôi liên kết với nhau trong sản xuất, kỹ thuật, thị trường và cả giống, vốn thông qua đầu mối chung là Tổ hợp tác.
Qua đó sẽ nâng cao được tiềm lực kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị trên 1 ha nuôi trồng và thu nhập được cải thiện đáng kể.
Nhận thấy được những lợi ích thiết thực của Tổ hợp tác và sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, các hộ dân đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Yên Bình và Tổ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2016.
Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Yên Bình thu hút 32 hộ thành viên trên địa bàn tham gia với mục đích chủ yếu là liên kết về kỹ thuật, hỗ trợ giống vốn và liên kết bao tiêu sản phẩm. Mỗi hộ có quy mô sản xuất trung bình từ 5 sào đến trên 2 ha, có hộ 6-7 ha cho thu hoạch hàng trăm tấn cá thương phẩm mỗi vụ.
Từ khi thành lập đến nay, tuy thời gian ngắn nhưng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Yên Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, tập hợp được các hộ nuôi thủy sản cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Ông Phạm Văn Liên, thành viên Tổ hợp tác cho biết, ông bắt đầu xây dựng mô hình nuôi thủy sản từ năm 1997 và đến nay diện tích đã nâng lên hơn 2 ha.
Nhìn chung chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang mô mình lúa - cá cho hiệu quả cao hơn, chi phí thấp hơn. Mỗi năm ông xuất ra thị trường 1,5 tấn cá giống và mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng.
Từ khi tham gia Tổ hợp tác, tinh thần tập thể được nâng cao rõ rệt, các thành viên nhiệt tình hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau bàn bạc thống nhất về giá cả, không để thương lái ép giá.
Hướng tới đây các thành viên sẽ liên kết lựa chọn con giống với nhau, cùng nhau lấy giống, cùng thực hiện quy trình sản xuất ở những thời điểm nhất định và tiếp tục liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cuối vụ. Hy vọng trong thời gian tới với cách làm mới, các mô hình nuôi thủy sản ở đây sẽ cho hiệu quả cao hơn và phát triển bền vững hơn trước".
Cũng theo đại diện Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Yên Bình, thời gian tới, Tổ hợp tác tiếp tục phát huy vai trò cầu nối để giúp các hộ dân có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tính toán chọn lựa nuôi loại cá nào cho phù hợp với điều kiện chăm sóc, điều kiện môi trường sống.
Cùng với đó, công tác phòng, chữa bệnh cho cá cũng sẽ được triển khai đồng loạt, quy mô lớn hơn, mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn; việc đánh giá nhu cầu của thị trường cũng sát thực hơn, đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm phát triển, mở rộng sản xuất.
Các hộ nuôi trong tổ liên kết với nhau, cùng nhau ký kết hợp đồng với các đơn vị uy tín từ việc lấy giống, thức ăn,....đảm bảo về chất lượng và giá thành; cùng nhau áp dụng đúng quy trình nuôi đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và tìm kiếm các thị trường đầu mối để liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Tổ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi.
Giáng Hương