Theo kế hoạch, thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 10 đến hết năm 2013 với mục đích, yêu cầu là: Nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ nhằm tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn và tỏ thái độ lên án các hành vi vi phạm. Nâng cao năng lực khả năng phối hợp của các cấp, các ngành trong việc thực thi quy định của pháp luật về nồng độ cồn, tạo sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, góp phần hạn chế TNGT. Trong đợt này, Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, kết hợp chặt chẽ giữa công tác cưỡng chế và truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả cưỡng chế và tuyên truyền. Các hoạt động sẽ được thống nhất từ tỉnh đến các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các khẩu hiệu tuyên truyền là "Đã uống rượu, bia - không lái xe", " Uống rượu, bia và lái xe - Giá đắt phải trả"… Ban An toàn giao thông tỉnh kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội, các trường học và cán bộ làm công tác an toàn giao thông tổ chức phát tài liệu, tờ rơi, áp phích tuyên truyền nội dung rượu, bia và tai nạn giao thông đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức các buổi nói chuyện, thông báo tại các buổi lễ chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn, các tiết học an toàn giao thông chính khóa, ngoại khóa về tác hại và mối nguy hiểm của việc uống rượu, bia mà còn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sở Giao thông - Vận tải tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ nói chung và các quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, các biện pháp phòng, chống vi phạm nồng độ cồn tại các đơn vị kinh doanh vận tải; tổ chức cho lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải ký cam kết không vi phạm các quy định về nồng độ cồn. Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố, thị xã kết hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tổ chức các buổi nói chuyện tại nhà văn hóa, các cuộc họp tổ dân phố để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các đội tuyên truyền lưu động thực hiện các chương trình cổ động, căng treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Lực lượng Công an tỉnh kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Chuẩn bị tốt các điều kiện về thiết bị đo nồng độ cồn trong khí thở, trong máu; kiểm chuẩn thiết bị, chế tài xử lý, các biện pháp ngăn chặn, xử lý hình sự về uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn giao thông; có hình thức xử lý thích đáng đối với người vi phạm từ chối hợp tác, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội để lên án các hành vi vi phạm có liên quan đến nồng độ cồn. Tổ chức tốt kế hoạch cưỡng chế công khai người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn bằng việc xây dựng kế hoạch cao điểm cưỡng chế theo chuyên đề nồng độ cồn; tăng cường năng lực về kỹ năng, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng trực tiếp thực thi công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các cơ quan Nhà nước ban hành các quy định cán bộ, công nhân, viên chức gương mẫu không sử dụng rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc, không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia.
Trần Dũng