P.V: Lễ hội truyền thống Trường Yên năm nay diễn ra hết sức ý nghĩa khi lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xin đồng chí cho biết việc công nhận của Bộ có ý nghĩa như thế nào đến việc tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương?
Đ/c Dương Bá Lanh: Ngày 19-12-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4205 công nhận lễ hội truyền thống Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc Lễ hội truyền thống Trường Yên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa đặc biệt đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân và du khách trong việc quan tâm bảo tồn, phát huy và duy trì giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống.
Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO chính thức ghi danh vào danh mục Di sản thế giới. Nằm trong vùng lõi bảo vệ đặc biệt của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố Đô Hoa Lư còn là một địa chỉ đỏ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Ninh Bình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Cũng tại nơi này, hàng năm người dân địa phương đều long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Trường Yên để tưởng nhớ công lao của Đinh Tiên Hoàng đế, người đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, hình thành nên Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam.
Năm nay, lễ hội được tổ chức nhân kỷ niệm 1047 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (968- 2015), chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới" nên được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh.
Do đó, thông qua việc tổ chức các hoạt động của lễ hội góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước về với Ninh Bình. Đồng thời, thông qua việc tổ chức lễ hội góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta, về các giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của Ninh Bình với nhân dân trong và ngoài tỉnh. Việc lễ hội truyền thống Trường Yên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn ý nghĩa tuyên truyền đến cộng đồng và du khách cùng chung tay bảo vệ di sản thường xuyên, để di sản là nguồn sinh dưỡng cho những thế hệ sau.
P.V: Là lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, vậy năm nay các hoạt động phần hội được tổ chức như thế nào?
Đ/c Dương Bá Lanh: Năm nay, việc tổ chức Lễ hội Trường Yên với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia nên các hoạt động của cả phần lễ và phần hội được tổ chức đảm bảo trang trọng, ấn tượng, an toàn và tiết kiệm, mang đậm bản sắc truyền thống, nét độc đáo của mảnh đất và con người cố đô Hoa Lư, của quê hương Ninh Bình thân thiện và mến khách. Trong đó, các hoạt động của phần hội sẽ diễn ra hết sức phong phú, hấp dẫn, thiết thực. Được Ban chỉ đạo lễ hội tỉnh giao là đơn vị đồng chủ trì cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Hoa Lư đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các công việc chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian diễn ra tại lễ hội.
Huyện Hoa Lư phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An thực hiện các nội dung: thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến vua, thi cờ người, chọi gà, thi chèo thuyền khéo, triễn lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày hình ảnh, hiện vật Kinh đô Hoa Lư, giải bóng chuyền nam, giải vật dân tộc; các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tham gia một số tiết mục tiêu biểu của địa phương như: biểu diễn trống hội Tân Khẩn (xã Kim Mỹ- Kim Sơn); múa trống Khánh Tiên (xã Khánh Tiên-Yên Khánh); cồng chiêng, bắn nỏ của huyện Nho Quan… Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của Sở Công thương, hội trại thanh niên của Tỉnh đoàn, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý" do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì… Việc tổ chức các hoạt động của lễ hội thực hiện nghiêm theo tinh thần Chỉ thị số 41-CT/T.Ư ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội", Công điện số 229/CĐ- TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội", trong đó xác định việc tổ chức lễ hội không sử dụng ngân sách Nhà nước, mà thực hiện huy động tối đa các nguồn xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia, ủng hộ tích cực của người dân.
P.V: Một vấn đề được người dân và du khách về dự lễ hội hết sức quan tâm là việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội được địa phương giải quyết như thế nào?
Đ/c Dương Bá Lanh: Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong năm, trong đó có lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất là Lễ hội truyền thống Trường Yên. Xác định mỗi lễ hội được tổ chức là cơ hội thu hút du khách về với Ninh Bình, là cơ hội để địa phương góp phần quảng bá, giới thiệu những tiềm năng về vùng đất, con người Ninh Bình. Do đó, việc xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội những năm trước cũng như năm nay được tỉnh quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các ngành liên quan trong việc đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, vận động nhân dân thực hiện nghiêm nếp sống văn minh tại các khu, điểm du lịch và lễ hội.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân khi tham gia lễ hội đến việc phục vụ lễ hội và triển khai hoạt động du lịch, dịch vụ tại lễ hội, huyện Hoa Lư và các ngành như: Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Công thương…đã triển khai thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm tại lễ hội như: bói toán, xóc thẻ, bày bán hàng hóa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm về giá cả... nhằm đảm bảo nếp sống văn minh khi tổ chức lễ hội, ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, hướng người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh. Qua nhiều năm tổ chức lễ hội, chưa có năm nào để xảy ra tình trạng trộm cắp, gây lộn, tai nạn giao thông... ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Đặc biệt, tại khu vực khu Di tích lịch sử đền thờ vua Đinh - vua Lê, các hoạt động bán hàng, chụp ảnh, xe ôm được chấn chỉnh và đưa vào nền nếp. Huyện đã quy hoạch các khu, điểm bán hàng, yêu cầu các hộ gia đình tham gia kinh doanh đăng ký thực hiện nếp sống văn minh... Với những nỗ lực của địa phương và các ngành trong việc tổ chức lễ hội, chúng tôi mong muốn lễ hội truyền thống Trường Yên hàng năm sẽ là "điểm nhấn" quan trọng trong hoạt động du lịch của địa phương và của tỉnh, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về với vùng đất Cố đô Ninh Bình.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)