Đây được xem là giải pháp nhằm khắc phục bất cập của các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang tồn tại. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Để giúp cho người dân và các tổ chức kinh doanh vàng hiểu hơn về nghị định này, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình.
P.V: Xin ông cho biết nội dung chính của Nghị định 24?
Ông Phạm Ngọc Ánh: Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đó là, theo Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hợp pháp của người dân, việc triển khai Nghị định sẽ đạt hiệu quả cao nhờ sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng.
P.V: Nghị định 24 quy định các điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp để được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Liệu quy định này có ảnh hưởng nhiều cơ sở đang kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn?
Ông Phạm Ngọc Ánh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mua bán vàng, bao gồm cả vàng miếng và vàng trang sức. Nhưng nếu theo Nghị định 24 thì trên địa bàn khó có doanh nghiệp nào đủ điều kiện để tiếp tục kinh doanh vàng miếng. Các doanh nghiệp đủ điều kiện để kinh doanh vàng trang sức cũng phải đăng ký lại theo Nghị định 24 và Chỉ thị 03 của UBND tỉnh. Thời hạn chuyển đổi đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng là 6 tháng kể từ 10-7-2012; 12 tháng kể từ ngày 25-5-2012 đối với các tổ chức, cá nhân đang sản xuất và kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Trong thời hạn trên, các doanh nghiệp đang sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại NHNN chi nhánh Ninh Bình. Các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh là Sở Kế hoạch và Đầu tư.
P.V: Vậy theo ông, việc doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng không được phép kinh doanh vàng miếng có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân không?
Ông Phạm Ngọc Ánh: Theo Nghị định này, những đối tượng không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do NHNN cấp thì không được phép mua bán vàng miếng. Đồng thời, hành vi mua bán vàng miếng với những đối tượng không có giấy phép sẽ được coi là vi phạm pháp luật. Cũng theo quy định này, người dân được mua vàng để cất giữ nhưng không được sử dụng vàng để thanh toán như hiện nay. Nhu cầu mua, bán vàng của người dân cũng sẽ được đáp ứng không chỉ thông qua mạng lưới các điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng của các doanh nghiệp mà còn cả các tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong cả nước có thể mở thêm chi nhánh hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng ở các địa phương để phục vụ nhu cầu của người dân. Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, NHNN sẽ quy định thời hạn chuyển tiếp để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Trong thời hạn này, người dân vẫn có thể tiếp tục mua bán vàng miếng tại các địa điểm như trước đây trong khi các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép mua bán vàng miếng tiếp tục mở rộng mạng lưới mua bán vàng miếng để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân sau khi kết thúc thời hạn chuyển tiếp.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm