Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cùng các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.
Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Hữu Hùynh, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam truyền đạt tinh thần, nội dung cơ bản của Nghị quyết số 09-NQ/T.Ư. Nghị quyết khẳng định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập tự chủ của nền kinh tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.
Hội nghị đã nghe đồng chí Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Kế hoạch số 35-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/T.Ư. Đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/T.Ư.
Theo đó, Ninh Bình đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả số lượng và chất lượng, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 4.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, ít nhất 4-5 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn; hàng năm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quản trị doanh nghiệp, lập dự án, maketing cho 20% số doanh nghiệp…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ 7 nhiệm vụ và 8 giải pháp chủ yếu tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, doanh nhân khu vực nông thôn; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn hoặc tiếp tục gia hạn nợ cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là các thủ tục về thuế, hải quan; quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân; đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa...
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng quán triệt Chỉ thị số 42-CT/T.Ư ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 42-CT/T.Ư. Trong đó đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp hội tỉnh; đẩy mạnh các cuộc thi, hội thi, giải thưởng khoa học - công nghệ; đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu sau hội nghị, các ngành, các cấp, các huyện, thành phố, thị xã cần tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 09, Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị. Đồng thời, từng ngành, từng địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của đơn vị mình xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đất nước.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, phát triển. Cần bố trí nguồn lực, phát huy thế mạnh của đội ngũ cán bộ trí thức trong các lĩnh vực công tác, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; xây dựng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ giàu lòng yêu nước gắn bó mật thiết với nhân dân, tâm huyết, sáng tạo, tích cực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước về công tác khoa học và kỹ thuật, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, chăm lo xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Quốc Khang