Trường cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình có trên 10 cán bộ, giảng viên đã từng học tập tại Liên Xô cũ, trong đó có một số cán bộ, giảng viên đã nghỉ hưu. Thạc sỹ Trần Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình và thạc sỹ Lưu Đình Hướng, Phó Hiệu trưởng nhà trường là những người đã từng học tập ở Liên Xô cũ trong thời gian từ năm 1981 - 1986. Trước khi được Bộ Thủy lợi cử Liên Xô học tập, anh Trần Hữu Hòa là giáo viên của Trường Công nhân cơ giới I (tiền thân của Trường cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình); anh Lưu Đình Hướng là giáo viên Trường Công nhân kỹ thuật tàu quốc đứng chân tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sau 1 năm học dự bị ở thành phố Min-xcơ (Bêlarút - một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết), anh Hòa và anh Hướng được chuyển về thành phố Kharcôp (Ucraina) để học chuyên môn. Hai anh học tại Trường cao đẳng sư phạm công nghiệp Kharcôp và học cùng một lớp - lớp cơ giới hóa nông nghiệp.
Một góc Quảng trường Đỏ, thủ đô Mát-xcơ-va
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Hướng được sống lại với những ký ức, những kỷ niệm về Liên Xô của gần 30 năm về trước. Tình yêu đất nước Liên Xô trong anh lại trỗi dậy dạt dào. "Ngày ấy, được học tập tại Liên Xô là một niềm hạnh phúc, vinh dự lớn lao của không chỉ riêng tôi mà còn đối với rất nhiều sinh viên Việt Nam. Đất nước Liên Xô đã mở ra một chân trời mới trong cuộc đời của tôi. Liên Xô không chỉ cho chúng tôi kiến thức mà còn dạy chúng tôi cách ứng xử văn hóa, cách làm người." - anh Hướng tâm sự.
Đối với anh, đất nước Liên Xô thật bao la, rộng lớn với những cánh đồng lúa mỳ chạy dài bất tận, đất đai phì nhiêu, cây cối tốt tươi, thiên nhiên khoáng đạt, con người hiền hòa, cởi mở, nhân hậu. Liên Xô thời kỳ ấy đã có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, góp phần giảm sức lao động của con người. Người lao động làm việc trong các nông trường, trong các nông trang tập thể. Ngoài thế mạnh là sản xuất lúa mì vốn được thiên nhiên ưu đãi, Liên Xô còn có các trang trại chăn nuôi lợn, bò, gà...; các nông trang trồng cà chua, khoai tây, củ cải, cà rốt... tập trung, quy mô lớn. Vì vậy, lương thực, thực phẩm ở Liên Xô rất dồi dào, phong phú. Cuộc sống của người dân Liên Xô sung túc, thanh bình.
Trong những năm học tập ở Liên Xô, anh Hòa, anh Hướng đã được trang bị vốn kiến thức phong phú phục vụ cho công việc giảng dạy, quản lý của mình sau này.
Có thể nói, đối với các sinh viên thuộc chuyên ngành cơ giới hóa nông nghiệp như anh Hòa, anh Hướng thì những tiết học thực hành trên đồng ruộng, trong các nhà máy thật sinh động, lý thú. Các anh đã học điều khiển các loại máy kéo, máy cày, máy gặt đập liên hợp trong việc làm đất, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp; dự giờ và có những tiết đứng lớp dưới sự giúp đỡ của giáo viên của Trường. Ngoài ra, các sinh viên Việt Nam còn dành thời gian hiểu những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của Liên Xô để hiểu thêm tính cách, con người đất nước bạn, từ đó tiếp cận với tri thức của nhân loại qua nền giáo dục của Liên Xô vĩ đại.
Theo các anh, kỷ niệm vui nhất trong thời kỳ học tập ở Liên Xô là vào thời gian nghỉ hè, ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước Liên Xô cho mỗi sinh viên nước ngoài 80 rúp/tháng, hầu hết sinh viên Việt Nam ở trường đều đi làm thêm ở các nhà máy, xí nghiệp để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và có thêm tiền trang trải cho việc học tập, sinh hoạt. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, các sinh viên Việt Nam đã làm các món ăn của quê hương, tổ chức các buổi liên hoan với các thầy cô, sinh viên các nước để đón giao thừa, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, để lại những tình cảm gắn bó tốt đẹp giữa sinh viên Việt Nam với thầy cô, bè bạn quốc tế.
Cũng như nhiều người đã từng học tập, công tác và lao động tại Liên bang Xô Viết, đối với anh Trần Hữu Hòa, nhớ đến Liên Xô là nhớ đến đất nước của Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Nhớ đến Liên Xô là nhớ đến sự hy sinh quên mình, tinh thần chiến đấu anh hùng, quả cảm cùng chiến công vĩ đại của Hồng quân Liên Xô và nhân dân Xô Viết trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại…
Từ trong sâu thẳm trái tim mình, những lưu học sinh Việt Nam đã từng học tập và công tác tại Liên Xô trước đây luôn sâu đậm tình yêu với Liên Xô; luôn biết ơn sự giúp đỡ chí tình của đất nước và nhân dân Liên Xô đối với đất nước và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN sau này, trong đó có việc giúp đỡ đào tạo các lưu học sinh Việt Nam.
Nhiều người mong muốn được trở lại thăm các nước thuộc khối SNG - quê hương thứ hai của mình và mong được góp sức vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây - các nước thuộc khối SNG hiện nay ngày càng phát triển, bền chặt.
Ngọc Minh