Phải nhờ có người dẫn đường nhiệt tình, chúng tôi mới tìm tới được gia đình thiếu úy Trần Quang Tăng. Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm ở cuối phố Mỹ Trung, thị trấn Me. Bế đứa con gái hơn hai tuổi, chị Hiền vợ thiếu úy Tăng đon đả mời khách vào nhà. Bức ảnh Nhà giàn DK1 được chị treo trang trọng ở phòng khách. Chị Hiền kể cho chúng tôi nghe về anh Tăng, bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào. Chị kể, quê chị ở tận xã Cúc Phương, huyện Nho Quan. Từ thuở còn là cô sinh viên của Trường Đại học sư phạm Hà Nội, chị đã yêu màu xanh áo lính. "Tâm hồn tôi được tưới mát bởi những câu chuyện về người lính mà cha mẹ tôi vẫn thường hay kể. Nơi chỉ có bạt ngàn cây rừng vùng biên giới, sóng, gió và bốn bề là biển làm bạn. Nơi thiếu thốn đủ bề, song người lính vẫn lạc quan, yêu đời. Bố tôi xưa cũng là bộ đội. Bố đi dọc theo cuộc trường chinh của đất nước. Khi bố trở về, mái tóc mẹ đã ngả màu. Mẹ bảo, những vất vả ấy có nếm trải mới hiểu được. Đôi khi, không đơn giản chỉ là cố gồng mình để làm những việc vốn dĩ là của người đàn ông, mà là nỗi buồn xa vắng ở tận trong tâm hồn"- chị Hiền xúc động.
Thế rồi như một mối lương duyên trời định, một người bạn thân đã giới thiệu chị với thiếu úy Trần Quang Tăng. Bằng tình cảm, lòng biết ơn của hậu phương dành cho chiến sỹ ngoài hải đảo, qua những cánh thư gửi đi đều đặn, chị Hiền động viên, chia sẻ những buồn vui, vất vả với anh lính nhà giàn. Còn anh Tăng lại kể cho chị Hiền nghe về cuộc sống của người lính giữa trùng khơi. Tình cảm của hai người lớn dần theo năm tháng. "Trong một lần về phép hiếm hoi, anh Tăng xuất hiện trước mặt tôi. Lần đầu được gặp anh, vẻ rắn rỏi, cương nghị của người lính đã thực sự làm trái tim tôi rung động. Tôi đã nhận lời yêu anh và quyết định gắn bó cuộc đời mình với chàng trai mặn mòi tình yêu với biển ấy"- chị Hiền trải lòng.
Làm vợ của lính biển, nếm trải những vất vả mà bất cứ vợ chiến sỹ nào cũng phải trải qua, chị Hiền lại càng thêm yêu thương chồng và tự nhủ phải thật mạnh mẽ để chồng chị an tâm làm nhiệm vụ. Ngày chị sinh con gái đầu lòng, anh Tăng không về được. Lúc vượt cạn một mình, không có chồng bên cạnh chị Hiền tủi thân muốn khóc. Rồi chị nghĩ lại, ngoài biển khơi nơi muôn trùng sóng, gió anh cũng đang thầm lặng hy sinh. Từ khi con gái còn bé, mỗi lúc nhớ chồng, chị lại kể cho con gái nghe những câu chuyện về biển, về những người lính hải quân can trường… Tuy chưa hiểu gì, song mỗi lần nghe mẹ vỗ về, rủ rỉ kể chuyện là con bé lại chăm chú nghe. Như một thói quen, đến nay đã hơn 2 tuổi rồi mà tối nào cũng vậy, thay vì đòi mẹ hát ru à ơi, bé con lại "yêu cầu" mẹ kể chuyện về chú bộ đội hải quân, kể về nơi có bố Tăng đang làm nhiệm vụ… có như vậy bé mới chịu ngủ.
Xuân ất Mùi này cũng giống như hơn 10 mùa xuân đã qua, anh Tăng không được về sum họp bên gia đình. Qua điện thoại, anh Tăng kể rằng những ngày xuân, cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1 đón nhận được nhiều quà xuân của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc gửi tặng. Những món quà dung dị, đời thường ấy gói gém tình yêu, niềm tin sâu nặng của dân đối với quân. Cách nhận quà của chiến sỹ nhà giàn cũng… lạ lắm. ở Nhà giàn DK1, hàng, quà được cột chặt vào dây mồi thả xuống biển để các chiến sỹ nhà giàn kéo lên. Tàu và nhà giàn cách nhau chỉ chừng 30 mét nhưng không bắt được tay nhau. Đồng đội nhìn nhau chỉ biết gửi nỗi nhớ vào sóng gió, chúc Tết qua bộ đàm, thầm chúc cho nhau một năm mới an lành, vững chắc niềm tin. Trước phút giao thừa, mọi người mặc quân phục chỉnh tề, quây quần bên nhau hái hoa dân chủ, bình thơ, bình báo tường, xem không khí đất liền đón Tết qua màn hình nhỏ. Nhiều anh lính mới lần đầu đón Tết ở nhà giàn đã không thắng được cái cảm xúc nhớ nhà, nhớ đất liền, bật khóc rưng rức. Cảm xúc ấy khi mới ra nhà giàn ai cũng đã trải qua. Thời khắc giao thừa linh thiêng, các anh siết chặt tay nhau để cùng hướng về một niềm tin, một tình yêu sắt son với biển đảo quê hương.
Thu Hằng