Bà Luận kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của gia đình con trai mình. Ông bà Luận sinh được 3 người con, Duy Tâm là con trai duy nhất. Ngày con học xong THPT tình nguyện nhập ngũ. Sau nhiều năm phấn đấu, Tâm trở thành sĩ quan chuyên nghiệp và được điều ra nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/18. Năm 2010, Duy Tâm lập gia đình và hiện đã có một cô con gái. "Nhìn cuộc sống của chúng nó cứ như vợ chồng nhà ngâu, nghĩ cũng tội nghiệp. Thương con trai mình một, tôi thương con dâu mười phần. Còn trẻ mà con dâu tôi tảo tần, phải đối diện và lo toan mọi thứ trong cuộc sống"- bà Luận xúc động.
Rồi bà Luận bấm số điện thoại của chị Minh Ngọc, vợ thiếu úy Tâm. Sau những phút tâm sự với con, cháu, bà Luận dành cho chúng tôi mấy phút trò chuyện với chị Minh Ngọc. Ngọc nói, quê Ngọc ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp THPT, Minh Ngọc theo học tại một trường Trung cấp y, dược ở thành phố Vũng Tàu. Vốn là cô gái quê mặn mà lại hiền lành, trong sáng, Ngọc lọt vào "mắt xanh" của không ít người đàn ông thành đạt. Nhưng, có lẽ nhờ chữ duyên đưa lối mà Ngọc đã gặp anh Tâm trong một dịp cả hai đi dự sinh nhật một người bạn chung. Và người lính trẻ ấy đã chinh phục được trái tim cô thôn nữ bằng sự chân thành của mình. Ngày mới yêu nhau, mỗi khi có ngày kỷ niệm lớn như mùng 8-3 hay 20-10 hoặc ngày sinh nhật… Ngọc cũng không tránh khỏi cảm giác tủi thân khi nhìn những bạn bè cùng trang lứa được người yêu chiều chuộng, đón đưa còn Ngọc lại chỉ có một mình. Nhưng Ngọc đã chấp nhận và sẵn sàng vượt qua tất cả để gắn bó cuộc đời mình với người lính đảo.
Ngọc tâm sự: Trước khi yêu anh, tôi chưa hiểu hết được những vất vả trong việc thực hiện nhiệm vụ của một người lính, lại càng chưa hiểu hết được những thiệt thòi mà vợ, con người lính phải trải qua. Khi yêu anh rồi, trong những cánh thư viết vội hay trong những phút giây trò chuyện ngắn ngủi qua điện thoại, anh Tâm kể cho tôi nghe về cuộc sống của người lính đảo.
Nơi các anh làm việc không có phòng ốc sang trọng, không có đầy đủ máy tính hay mạng Internet… mà nơi ấy chỉ có bạt ngàn sóng, gió và bốn bề là biển làm bạn. Anh Tâm cũng nói với tôi rằng, nhiều người yêu lính biển lắm, nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực và niềm tin để trở thành vợ của lính biển. Rồi anh ngậm ngùi kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình của các đồng chí, động đội ở đơn vị anh: Có người vợ sinh con đến hàng năm trời mà vẫn chưa biết mặt cha; có người thì con ốm đi bệnh viện, lo đứng lo ngồi mà cũng không thể về cùng san sẻ nỗi lo, gánh nặng cùng vợ, con… rồi anh khuyên tôi nên suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn cho mình một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn.
Nghe anh Tâm nói mà tôi chỉ biết khóc. Tôi khóc không phải vì tôi lo sợ nếu lấy anh thì tôi sẽ là một trong những hoàn cảnh của đồng chí, đồng đội mà anh kể, mà tôi khóc vì khi càng hiểu thì tôi càng thêm yêu thương hơn những người lính chân thành. Tình yêu ấy, sự biết ơn ấy không chỉ dành riêng cho người tôi yêu, mà còn dành cho tất cả những ai mặc màu áo lính…
Vậy là đám cưới của chúng tôi đã diễn ra trong sự ủng hộ, chúc phúc của hai bên gia đình và đông đảo bè bạn, đồng đội vào mùa thu năm 2010. Cưới nhau hơn 1 tháng thì anh lại ra Nhà giàn làm nhiệm vụ. Còn tôi, ở nhà trong sự yêu thương của gia đình nhà chồng và hạnh phúc cùng cả gia đình chờ đợi ngày con tôi được chào đời. Nhiều lúc cũng ngậm ngùi lắm khi vợ chồng còn chưa kịp thuộc hết tính nết của nhau thì lại phải xa nhau. "Thời bình, mà vợ lính xa chồng đằng đẵng là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Nhiều khi con ốm, mẹ đau, chỉ cần có một bờ vai của chồng để tựa vào san sẻ.."- chị Ngọc nói. Nhưng rồi chị lại tự an ủi mình, phải thật vững vàng để trở thành điểm tựa cho con và để cho chồng yên tâm công tác.
Dù ở nhà có khó khăn, nhưng cũng không so sánh với sự hy sinh của các anh và đồng đội nơi đầu sóng, ngọn gió. Để được gần chồng hơn và để có một tổ ấm để anh đi về mỗi lần có dịp lên bờ, chị Ngọc và con gái đã rời quê lên thuê nhà ở thành phố Vũng Tàu để sống và làm việc. Chị gửi con gái đến lớp, còn chị mở một hiệu bán thuốc tân dược nho nhỏ. Xa hai bên gia đình nội, ngoại, chị Ngọc tự nhủ mình phải thật mạnh mẽ, chị tất bật lấy công việc làm niềm vui. Vất vả, khó khăn là đó, song hơn tất cả đó là niềm tự hào, kiêu hãnh vì mẹ con chị đã có một tình yêu lớn ngoài đảo xa.
Bù lại thiệt thòi sau những ngày xa cách ấy là tình yêu, sự cảm phục của anh Tâm dành cho vợ con. Xa nhau, ở hai đầu nỗi nhớ, tình cảm của họ gửi gắm qua những trang thư, rồi theo tàu biển vượt chặng đường hàng trăm hải lý đến với nhau. Chị Ngọc xúc động: Bây giờ phương tiện liên lạc hiện đại hơn nhiều. Chúng tôi thường xuyên được nghe giọng nói của nhau qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Song, tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm giác xúc động mỗi lần nhận được thư của anh. Vỏn vẹn vài dòng nhưng chất chứa bao yêu thương. Bằng tình yêu ấy, chị Ngọc lại can trường vượt qua khó khăn nuôi con khôn lớn để chồng yên tâm công tác, chỉ mong anh vững vàng, bền chí, bền lòng phụng sự Tổ quốc. Đáp lại lòng mong mỏi của vợ, thiếu úy Trần Duy Tâm càng hăng say làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người Báo vụ ở Nhà giàn DK1/18.
Bài, ảnh: Thu Hằng