Thực tế, một phần rơm rạ bị vứt bỏ xuống kênh mương gây cản trở việc tưới tiêu, còn phần lớn sẽ được đốt ngay ngoài ruộng gây khói bụi, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, việc chăn nuôi trâu bò hoặc trồng nấm ăn ngày càng phát triển với nhiều công ty, trang trại, gia trại có quy mô sản xuất lớn, kéo theo đó là nhu cầu không nhỏ về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, nguồn thức ăn cho chăn nuôi, mà nguyên liệu đó lại chính là rơm rạ.
Tuy nhiên, việc thu gom thủ công như hiện nay tốn quá nhiều công lao động, năng suất thấp, khó bảo quản dẫn đến chi phí đầu tư mua nguyên liệu tăng cao. Mặt khác, khi thu hoạch xong, nếu không thu gom ngay rơm rạ để xử lý sẽ dẫn đến tình trạng thối mốc và không sử dụng được.
Để sử dụng hiệu quả rơm rạ sau thu hoạch, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ máy móc, thiết bị trong thu gom rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trồng nấm... Hiện đã có 2 chiếc được hỗ trợ cho xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn) và HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, Yên Khánh).
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Loại máy lựa chọn là máy cuốn rơm Star MRB0850 sản xuất tại Trung Quốc trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản. Máy có kích thước dài 115cm, rộng 130cm, cao 130cm với trọng lượng 330kg. Các chức năng của máy gồm cuộn, đai dây, xả rơm đều tự động và chỉ cần một người lái vận hành máy.
Máy cuộn rơm gồm 2 bộ phận chính: Bộ phận tạo động lực và bộ phận cuộn rơm. Bộ phận tạo động lực để di chuyển có thể sử dụng đầu máy kéo (máy làm đất) có công suất từ 25 - 50HP. Bộ phận tạo động lực được khớp nối với bộ phận cuộn rơm bằng trục kết nối, do đó, sau mỗi vụ thu rơm rạ, máy làm đất có thể tháo ra và hoạt động bình thường. Kết quả chạy thu gom rơm, rạ thực tế ngoài đồng ruộng cho thấy, năng suất đạt từ 20 - 30 cuộn/giờ, trọng lượng cuộn rơm khô đạt khoảng 15kg. Các cuộn rơm được ép và buộc chặt có kích thước vừa phải, đường kính 50cm x 70cm.
Đánh giá về hiệu quả của máy cuộn rơm, ông Phùng Thế Tào, thành viên của Tổ hợp tác sản xuất nấm Khánh Nhạc cho biết: Tổ hợp tác sản xuất nấm có 30 hộ thành viên, nhu cầu nguyên liệu rơm rạ rất lớn, ước tính từ 300 - 500 tấn mỗi năm.
Trước đây, việc thu gom, vận chuyển rơm rạ gặp rất nhiều khó khăn, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Nhưng từ nay, với việc áp dụng chiếc máy này, rơm rạ đã được ép chặt thành từng cuộn rất dễ dàng trong việc thu mua và vận chuyển, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu chi phí sản xuất. Các thành viên trong tổ hợp tác rất phấn khởi.
Trong quá trình sản xuất, anh Phạm Văn Năm, người vận hành máy tại xã Quang Thiện cho biết: Các anh đã tìm ra loại dây buộc cuộn rơm là dây gai thay cho dây được bán kèm theo máy có giá thành khá đắt mà số lượng lại rất ít. Việc sử dụng dây gai một nguyên liệu rất dễ mua tại địa phương đã góp phần giảm chi phí sản xuất, đảm bảo độ bền không kém gì dây mua theo máy.
Như vậy có thể thấy, việc sử dụng máy cuộn rơm là một giải pháp tối ưu, giúp giải quyết được bài toán xử lý nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch. Nâng cao hiệu quả sử dụng rơm rạ, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi gia súc, phát triển nghề trồng nấm ăn... Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, một trong những tiêu chí quan trọng của xây dựng nông thôn mới.
Thái Học