Không phải kỹ thuật cao siêu mà chính giá trị của thông tin quyết định lượng thính giả vì trên cả những thông tin về tình hình thế giới, quốc gia, người dân muốn biết về những gì xảy ra xung quanh họ, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Vấn đề cuối cùng là phải có cách làm phù hợp, hướng về con người, bởi thính giả mới thực sự là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của phát thanh. Xác định được điều đó, nhiều năm gần đây, với phương châm tự đổi mới, bằng tình yêu ngành, yêu nghề, các phóng viên, kỹ thuật viên Đài Truyền thanh thành phố đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới chính mình và tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Để tạo nên dấu ấn của tác giả trong từng tác phẩm và tạo nên sự hấp dẫn của những chương trình phát thanh, thời gian qua, các phóng viên của Đài đã không ngừng tự học, tự nghiên cứu, tích cực đi cơ sở, lăn lộn với thực tế và đã cho ra đời nhiều tác phẩm phát thanh hay, mang đậm "hơi thở" của cuộc sống. Nội dung tin, bài đã phản ánh được những sự việc thiết thực trong đời sống thường nhật của nhân dân. Bên cạnh đó, Đài thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm và làm phát thanh trực tiếp các sự kiện chính trị quan trọng như: Các kỳ họp HĐND xã, phường, thành phố hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ... Phát thanh trực tiếp hay các chương trình tọa đàm đã tạo ra sự tương tác nhất định với thính giả, ở đó, nhà đài không nói một chiều mà còn là diễn đàn cho thính giả bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về một vấn đề mà họ quan tâm.
Từ năm 2007 trở lại đây, Đài Truyền thanh thành phố đã thực hiện có nền nếp, hiệu quả các chương trình tọa đàm khi phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh. Mặc dù, việc thực hiện một chương trình tọa đàm không hề đơn giản: Phóng viên sẽ vất vả hơn so với thực hiện một chương trình bình thường, đó là phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ nhiều hơn cho việc viết kịch bản, viết phóng sự, lựa chọn khách mời, áp lực về thời lượng khung chương trình... Thế nhưng vượt lên những "thách thức" đó, tập thể phóng viên, kỹ thuật viên vẫn rất say sưa với các chương trình tọa đàm, đem tiếng nói của các nhân vật trong buổi tọa đàm đến gần với công chúng hơn.
Nhiều năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, thành phố, hệ thống trang thiết bị của Đài Truyền thanh thành phố ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Đài Truyền thanh thành phố đã làm tốt nhiệm vụ tiếp, phát sóng các chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay 13/14 Đài truyền thanh cơ sở đã thực hiện phát sóng trên sóng FM (thành phố phấn đấu hết năm 2009, Đài truyền thanh phường Ninh Phong sẽ hoàn thành việc phát sóng trên sóng FM). Toàn thành phố đã có gần 600 loa phát thanh ở 100% khu dân cư, diện phủ sóng phát thanh trên địa bàn được mở rộng.
Trên cơ sở chính trị của thành phố, Đài đã mở các chuyên mục phục vụ các sự kiện chính trị trên địa bàn. Nhiều chuyên mục đã thu hút được thính giả như: "To nhỏ nhắc nhau"; "Xây dựng Đảng", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... đã thu hút một lượng khá lớn thính giả. Cùng với đó, Đài Truyền thanh thành phố đã quan tâm nâng cao chất lượng phát sóng, thực hiện 5 chương trình phát thanh/tuần.
5 năm trở lại đây, Đài đã duy trì "tiếng nói cơ sở" bằng việc phát chương trình của Đài truyền thanh các xã, phường trên sóng Đài Truyền thanh thành phố với thời lượng 30phút/chương trình. Điều đáng nói là, tính chuyên nghiệp trong làm phát thanh ngày càng được thể hiện với việc 100% các Đài truyền thanh cơ sở đã thực hiện các chương trình phát thanh có tiếng động. Nhiều năm qua, Đài Truyền thanh thành phố Ninh Bình luôn là đơn vị lá cờ đầu Khối các Đài truyền thanh huyện, thành, thị. Tại Liên hoan phát thanh trực tiếp Khối Đài truyền thanh cấp huyện năm 2006, 2008, Đài Truyền thanh thành phố đã đạt giải nhất. Với những thành tích trên, năm 2006-2007, UBND tỉnh đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho tập thể cán bộ, CNV Đài Truyền thanh thành phố. Đặc biệt, năm 2004, Đài đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen... Tuy nhiên, chị Đỗ Xuân Lan cũng bày tỏ trăn trở, đó là hiện nay, toàn thành phố có 34 cán bộ truyền thanh cơ sở, nhiều năm qua, nhờ có lực lượng này mà sóng phát thanh được duy trì thường xuyên. Song hiện nay, chế độ phụ cấp của cán bộ truyền thanh cơ sở tuy đã được nâng lên so với trước đây nhưng vẫn còn quá thấp (0,5% mức lương cơ bản/người/tháng), trong khi đó khối lượng công việc của họ lại tương đối nhiều: Ngoài việc thực hiện viết tin, bài cho chương trình của đơn vị mình, hàng ngày, mỗi truyền thanh viên phải trực tiếp sóng 3 buổi/ngày, rồi lại phải thường xuyên kiểm tra đường dây, loa đài... để khắc phục những hư hỏng, sự cố một cách kịp thời. Chế độ chi trả nhuận bút cho tin, bài của Đài Truyền thanh thành phố còn khiêm tốn... chính vì vậy mà cán bộ truyền thanh cơ sở vẫn chưa thực sự sống được bằng nghề của mình... Nâng cao đời sống, ổn định thu nhập cho đội ngũ cán bộ truyền thanh cơ sở là điều trăn trở không chỉ của truyền thanh thành phố mà còn là tình trạng chung của Đài truyền thanh cơ sở nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa