Trước đây, người dân sinh sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là trông cói và cấy lúa. Do đất bồi cao và chua phèn nên trồng cây cói không phù hợp, còn cây lúa lại không đủ nước ngọt. Do vậy, xã luôn ở trong tình trạng nghèo. Từ năm 2001 xã đã chuyển đổi dần cơ cấu sản xuất từ trồng lúa và cói sang nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2003 thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, các hộ sản xuất ở Kim Trung chỉ có một thửa và 100% diện tích được sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Nhưng những năm đầu việc đầu tư các công trình thủy lợi chưa đồng bộ, công tác điều tiết nước gặp nhiều khó khăn, độ mặn ở các ao đầm không đồng đều, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của người dân chưa được đảm bảo… do vậy hầu hết các hộ bị thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Người nông dân nơi đây càng gặp khó khăn hơn, vốn vay Ngân hàng nợ đọng lớn, khó có khả năng thanh toán… Nhưng với lòng tin và quyết tâm vượt nghèo từ nuôi trồng thủy sản, đến năm 2007 nhân dân Kim Trung đã nhìn thấy niềm vui sau bao nhiêu năm dài vất vả. Số hộ nuôi tôm và cua có lãi chiếm trên 80%, đạt hiệu quả trung bình từ 20 - 30 triệu đồng/ha.
Trên cánh đồng nuôi tôm của xã Kim Trung, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Khởi, người đầu tư nuôi trồng thủy sản với mơ ước làm giàu. Anh bộc bạch: "Đây là vùng đất tiềm năng, có thể phát triển kinh tế từ con tôm và con cua nhưng phải có đầu tư đồng bộ của Nhà nước về các công trình thủy lợi, hiểu biết kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của đội ngũ cán bộ và người dân thì mới mang lại hiệu quả". Anh bắt đầu triển khai mô hình nuôi tôm, cua từ năm 2001. Làm cũng nhiều, đầu tư cũng nhiều nhưng 4 năm đầu tiên đều bị thất thu không thu hồi được vốn, mấy năm gần đây có thu nhập nhưng vẫn chưa cao. Theo anh, nguyên nhân cơ bản gây ra thua lỗ là do nguồn nước, con giống và đầm mới đào độ mặn cao, bốc phèn lớn. Nuôi tôm quan trọng nhất là nước và con giống nhưng điều tiết nước không được đảm bảo; con giống lại quá ô hợp không qua kiểm dịch hoặc con giống không chuẩn; kinh nghiệm và kiến thức nuôi trồng thủy sản của bà con còn kém mà con tôm và cua lại đòi hỏi phải có kỹ thuật cao mới nuôi được.
Về hướng phát triển của xã, đồng chí Trần Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã tập trung đẩy mạnh việc đầu tư nuôi trồng thủy sản và coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Năm 2008 toàn xã có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 277 ha, trong đó diện tích sản xuất nội đồng 233,4 ha, diện tích khu nuôi tôm công nghiệp 43,6 ha. Cơ cấu mùa vụ được chia thành hai vụ chính: Vụ 1 nuôi thả tôm sú (từ tháng 3 đến tháng 8), vụ 2 nuôi thả cua xanh (từ tháng 9 đến tháng 12). Toàn xã phấn đấu đạt sản lượng thủy sản các loại 170 tấn, trong đó tôm sú 120 tấn. Ngay từ đầu vụ xã chỉ đạo thực hiện triệt để việc cải tạo ao đầm, vệ sinh môi trường kênh mương, chỉ đạo nhân dân làm tốt thủy lợi nội đồng, chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ nuôi thả, xử lý môi trường, chăm sóc và phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản theo quy trình kỹ thuật.
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân, xã cũng tìm hướng hỗ trợ về nguồn vốn, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất. Đề nghị Ngân hàng Chính sách cho những hộ nghèo và cận nghèo vay vốn và Ngân hàng Nông nghiệp tạm khoanh nợ quá hạn cho bà con. Đồng thời thực hiện tốt chương trình hỗ trợ nhân dân xóa đói, giảm nghèo theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy. Khuyến khích bà con nông dân cải tạo những vùng đất chua mặn để trồng rau và hoa màu phục vụ đời sống sinh hoạt và phát triển chăn nuôi.
Hương Giang