Khả năng hấp thụ vốn tốt Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh thực hiện quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình, mở rộng tín dụng. 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD ước đạt 52.946 tỷ đồng, tăng 19,32% so với cùng kỳ 2015 và tăng 8,47% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD đến thời điểm 30-6-2016 ước đạt 47.847 tỷ đồng, tăng 23,27% so với cùng kỳ 2015, tăng 9,25% so với thời điểm 31-12-2015.
Theo nhận định của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao ngoài yếu tố lãi suất giảm, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng thì yếu tố quan trọng khác là những chuyển biến tích cực của nền kinh tế làm cho sức hấp thụ vốn tăng lên đáng kể.
Thực tế cho thấy, đến nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm 2014 (lãi suất ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%/năm), đưa mặt bằng lãi suất giảm gần 50% so với thời kỳ được xem là "đỉnh điểm" như ở giai đoạn cuối năm 2011. Trong khi đó, xét theo cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn cho vay, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 64,73%, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 35,27%.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn trung, dài hạn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Có thể khẳng định tình hình kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dần hồi phục và bắt đầu tăng trưởng, bởi chỉ khi mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp mới có nhu cầu sử dụng vốn vay. Từ bước đà đó, khả năng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn trong năm 2016 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp gia tăng để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Duy trì tăng trưởng ở mức độ phù hợp
Theo đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, tốc độ phát triển kinh tế trong tỉnh đạt khá đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho các TCTD mở rộng quy mô hoạt động mà còn tăng khả năng sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế tài chính khu vực và quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.
Về phía NHNN, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng cho rằng: Mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ ổn định trong năm nay, thậm chí lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể được các ngân hàng xem xét giảm thêm nhằm tiếp tục "khơi thông" dòng vốn.
Mặc dù vậy, với mục tiêu tăng trưởng phải gắn với chất lượng, NHNN đã đề ra chỉ tiêu định hướng là tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế trong năm 2016 vẫn sẽ từ 16-18%. Đây được xem là tốc độ tăng trưởng phù hợp nếu xét về quy mô, tốc độ phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, dòng vốn đã được ngành ngân hàng phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ (cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).
Đồng thời hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ để mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và xã hội.
Trong bối cảnh chung khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, tốc độ tăng trưởng cao và hợp lý đang là bài toán khó cho các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Khôi, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm là rất khả quan vì theo quy luật quý III, quý IV sẽ là thời điểm tăng tốc của tín dụng trên địa bàn tỉnh, do đó ngành ngân hàng có quyền lạc quan vào kế hoạch đề ra trong năm 2016 là tăng trưởng tín dụng đạt từ 16-18%.
Nguyễn Thơm