Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2018, đầu tư tín dụng của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt trên 62.000 tỷ đồng, giảm 0,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,4%; công nghiệp, xây dựng chiếm 45,6%; thương mại, dịch vụ chiếm 46,1%. Cơ cấu dư nợ theo thời gian cho thấy dư nợ ngắn hạn vẫn chiếm 61,5%, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 38,5%. Nguồn vốn trên được các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư cho các lĩnh vực được ưu tiên theo chỉ đạo của nhà nước. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 14.700 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm; dư nợ cho vay chăn nuôi đạt 90 tỷ đồng; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 13.667 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 274 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 1.227 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng năm 2018 sẽ giảm về mức 17%, thay vì mức tăng trưởng trên 18% như năm trước. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm trước nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, chuyển dịch các hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng sang các lĩnh vực ít rủi ro hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục điều hành các chính sách về tín dụng linh hoạt, đặc biệt chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cho vay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng cấp trên, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ ATM. Kích thích phát triển các dịch vụ hỗ trợ kèm theo như nghiệp vụ thấu chi, dịch vụ Mobile Banking, giải ngân qua tài khoản ATM, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng, khơi tăng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong dân cư, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các chi nhánh điều hành tăng trưởng tín dụng theo hướng thận trọng và chất lượng, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ xấu ngay từ đầu năm dưới 2%.
Trao đổi về các giải pháp điều hành tín dụng của ngành ngân hàng Ninh Bình trong năm 2018, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngành ngân hàng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế- xã hội năm 2018. Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng. Chủ động triển khai các giải pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, ngành Ngân hàng cũng tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; chương trình bình ổn thị trường, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng thời tạo tiền đề để các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 từ 16-18%, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng cấp trên. Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định và sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng cấp trên về lãi suất cho vay, phí, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát vốn nhằm hạn chế nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với vốn vay và hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
Nguyễn Thơm